Hình ảnh

Hình ảnh

31 tháng 1, 2014

HỒN THƠ ĐỖ VĂN !

      

   “Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống”. 
   Thơ chú Đỗ Văn cũng vậy.
Với cách viết những bài thơ tự do có vần, có điệu, và mỗi câu chữ, mỗi bài thơ đều rất có hồn. Sự nhẹ nhàng, cách nghĩ sâu lắng cứ êm đềm, êm đềm như suối tóc buông xõa. Chú ít viết nhưng những bài chú viết ra tôi đều đọc đi đọc lại rất nhiều lần để tìm ra cái hay, cái sáng tạo trong ấy. 
   Khác hẳn với đời thường, thơ chú viết chứa tất cả những nỗi niềm mà khi đọc vào dường như ta tìm thấy ta ở đó, chỉ lặng lẽ trong góc khuất tâm hồn nhưng lại sâu sắc vô cùng.
   Ở đây, tôi chỉ đi vào khía cạnh cái hồn trong thơ Đỗ Văn. Tôi đọc nhiều thơ chú viết, đã từng trăn trở nhiều lần để suy nghĩ về từng câu, từng từ nhằm tìm ra chất thơ trong ấy.
   Tôi đã xúc động vô cùng khi đọc được bài thơ “Lại nhớ về con” mà chú viết cho người con gái lấy chồng xa. Tình cảm gia đình, tình cảm giữa cha mẹ và con cái rất cao quý và thiêng liêng vốn dĩ đã hiện hữu sẵn trong mỗi con người nhưng cách thể hiện là không giống nhau. Đỗ Văn mượn thơ để dệt thêu nên tình cảm ấy:

“Tối qua nhắc về con !
Bố mẹ nhìn nhau mắt rưng rưng lệ
Ở nơi ấy chắc bây giờ….có lẽ..
Con có buồn , nhớ bố mẹ nhiều không ?

(Lại nhắc về con)

   Nhịp điệu bài thơ êm dịu như nốt nhạc tâm tình.  Câu thơ « ở nơi ấy chắc bây giờ … có lẽ » hẳn là câu hỏi còn ngập ngừng làm nhịp thơ bỗng dưng chùn xuống, có chút gì đó suy tư. Đọc đến câu thơ ấy, tôi lặng lẽ nhìn về khoảng trời xa xôi và cũng nhớ về bố mẹ. Nỗi nhớ trào dâng đến lạ lùng. Câu hỏi nghi vấn ấy có gì đó trăn trở hay chăng ? Là câu tự vấn rằng con gái có nhớ mẹ cha không khi những ngày tết sắp về ? Hay câu hỏi rằng ở nơi đó con có được hạnh phúc không ? Sở dĩ có câu hỏi như thế bởi đoạn cuối tác giả viết:
Dẫu hạnh phúc đến với con có muộn
Ai biết được đâu số phận do trời

Là dòng chảy của tình yêu thương con cái cứ cuồn cuộn chảy trong tâm thức với biết bao hồi ức chất đầy nỗi nhớ thương mà mỗi khi đọc bài thơ lòng tôi không khỏi thấy cồn cào, se thắt. Tôi đặt biệt thích hai câu thơ :
« Ngã sáu mịt mù sương về phủ trắng
Lại nhớ về con … nỗi nhớ mênh mông
»
  Dường như, nỗi nhớ càng dày thêm khi quyện hòa trong từng làn sương trắng muốt, nỗi nhớ lan tỏa trong từng con chữ, lan tỏa luôn ở xứ Ban Mê khi Đỗ Văn đã có cái nhìn thật tinh tế « Ngã sáu mịt mù sương về phủ trắng ».       Thường, người ta dùng hai chữ « mênh mông» để diễn tả về một vùng rộng lớn thế mà chú Đỗ đã đưa vào câu thơ « nỗi nhớ mênh mông » cũng đủ làm người đọc thấy được nỗi nhớ về người con gái phương xa trong chú nhiều biết nhường nào. 
  Mối tình cha con đẹp như trong mơ, trong veo như làn gió nhẹ lùa qua. Dù cuộc sống có ra sao, dù con cái đã trưởng thành thì trong mắt cha mẹ, con vẫn là đứa con thơ ngây, bé bỏng mà bố mẹ thường hay bồng bế. Cha mẹ vui khi con tìm được hạnh phúc, buồn khi bất hạnh bên con, cha mẹ luôn luôn dang rộng vòng tay thương yêu khi con cái mỏi mệt để ôm ấp, vỗ về.
   Đỗ Văn cũng vậy, chú dành hết tình cảm cho con gái của mình qua câu thơ :

« Kiếp sống con người khổ đau,bất hạnh
 Hãy để mình bố gánh chịu cho con
. » 
  Mỗi câu mỗi chữ trong « Lại nhớ về con » chất chứa bao yêu thương của tình phụ tử. Mỗi nhịp thơ là một lời kể, là cả tâm hồn mà tác giả gửi gắm « Con gái ơi ! Ta yêu con biết nhường nào !”
  Thơ Đỗ Văn mở ra nhiều cảm xúc, bằng trải nghiệm của chính bản thân mình Đỗ Văn đã diễn tả một cách hồn nhiên và giản dị những ý tưởng sâu kín được chắt lọc từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Tác giả ít khi kể lại theo lối tự sự mà thường bày tỏ lòng mình thông qua những quan sát tinh tế và nhạy cảm.
  Mảng thơ tình của Đỗ Văn, theo cách đánh giá chủ quan của riêng tôi là có đủ mọi trạng thái, cung bậc cảm xúc, từ cái liếc nhìn, nỗi nhớ thầm, niềm khát khao được thành đôi cho đến cả hờn giận (Những bài thơ cách đây 37 năm)... chính vì thế thơ chú thực sự quyến rũ người đọc.
   Quay về nhịp thơ của « Những bài thơ cách đây 37 năm » ta lại nhìn thấy một hồn thơ Đỗ Văn khác hẳn. Chất thơ nhẹ nhàng, có nhiều ước mơ, ngôn từ bay bổng nhưng cũng rất thật, rất gần với những dự định, khát khao. Đọc những bài thơ Dự ước ta không khỏi bắt gặp một chàng trai trẻ đang yêu, đang ngụp lặn trong tình yêu.
Giữa đồi hoa thơm mùa mới
 Gặp em ôm tháng giêng về
 Để ta như chim vừa thức
 Chíp chiu hót chào thiên nhiên
.”
(Dự ước - một)
  Hay nỗi nhớ mong, khắc khoải đợi chờ: 
Ta chờ em Mắt Nâu ơi !
Như hồn cỏ úa ngậm lời sương tan
Chờ em rộng cõi thời gian
Lá tương tư trổ trên ngàn đã xanh
.”
(Dự ước – hai)
  Đó là những câu thơ rất trẻ, rất sống, rất đẹp, thể hiện tình yêu đời, tình yêu đôi lứa lột tả lòng yêu đời, sự say mê trong tình yêu: “Yêu em ! Môi chợt chắt chiu nụ cười”.
  Trong thơ văn, cảm xúc phải xuất phát từ niềm tin và nhiệt tình thành thật thì cảm xúc ấy mới tạo nên sức lôi cuốn của lời văn. Những dòng thơ của Đỗ Văn cũng như vậy, chính những dòng cảm xúc thật ấy đã lôi cuốn người đọc vào một dự ước tươi mới, vào một tình yêu sắt son, chân thành:
Tôi tìm cho em
một vùng xa xưa với ngàn muôn dấu ái.
Tôi hái cho em
một nụ hồng nhung tươi lấp lánh sương
mai,
..và tôi hát cho em nghe
những bản tình ca tuyệt vời đẹp nhất trần gian.
Hay kể cho em nghe
những huyền thoại yêu đương và triệu triệu huy hoàng
để em bay nhảy,
như một con chim non trong vùng hoa thơm cỏ lạ”
(Dự ước – bốn)
  Một tiếng gọi mời thiết tha, một lời yêu sâu sắc để tâm tình, chia sẻ với “em”. Sự trở về từ thực tại quay ngược quá khứ xa xưa thanh bình, yên ả “Tôi tìm cho em một vùng xa xưa với ngàn muôn dấu ái” chưa hề có bóng ái một ai để nhân vật “em” trong bức tranh tình yêu đó trở thành trung tâm của những dự ước:
Để ta bên nhau, cho nhau đam mê nồng nàn như
chuyện tình củaJuliete và Romeo
”.
(Dự ước)
  Cách ngắt nhịp thơ ngắn, chậm rãi gây ấn tượng.Nếu để thành một dòng, nhịp đọc tất nhiên phải nhanh và ý thơ do thế cũng khác hẳn. Bằng sự ngắt dòng này, nhịp thơ trở nên chậm rãi, đĩnh đạc.Vẻ hiền hòa, dịu êm của dòng chảy tình yêu dành cho “em” yêu cứ thế trào dâng. Vẻ đẹp trữ tình gợi cảm .
Đó !Sẽ là một nơi..
Rất xa thành phố
Xa những bờ hè và xa luôn bè bạn
Xa áo thị thành và bỏ quên dĩ vãng
Cái dĩ vãng muộn phiền như những ngón tay suông
»
  Vâng ! Ở Đỗ Văn – ta cảm nhận được một tình yêu nồng nàn gắn bó với người yêu thương. Tình yêu đó chắc chắn sẽ đơm bông kết trái, sẽ ngọt đôi môi, sẽ lên ngôi cuộc sống bởi tác giả đã bỏ qua tất cả những cái trần ai để mơ ước chỉ tìm đến một nơi rất xa thành phố để biến mỗi ngày đều là ngày chủ nhật tươi hồng của riêng mình . 
   Để bây giờ, ta lại quay về thực tại. Vẫn là tình yêu ấy, vẫn những nhớ thương da diết đến quặn lòng, vẫn là những yêu thương nhưng chưa kịp nói nên lời thì lại bỗng dưng chênh chao:
Cố ôm ấp những lời yêu đã thốt
Mới gió lạnh đầu mùa đông  sao đã thấy lòng tê buốt
Vẫn mãi mãi một mình ôm nỗi nhớ, nhìn tình yêu bước tới mà mình vẫn hoài tụt lại phía sau.”

(Em hỏi tôi)
  Ngoài ra, tác giả tỏ ra nhuần nhuyễn và sâu sắc hơn khi viết về con người và quê hương miền núi. Thơ chú hình thức gọn gàng, ý tưởng và tứ thơ cũng hết sức giản dị, được diễn đạt bằng hệ thống ngôn ngữ và hình ảnh gần gũi, dễ hiểu.
Hình như..
vạt đất nở hoa
Dã quỳ vàng..đã lu loa gọi mời
Môi em thỏ thẻ nụ cười
Đong đưa khóe mắt..
..chết người phương xa
.”
(Hình như )
  Một điều đáng nói nữa là thơ Đỗ Văn thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức dân gian nhưng bộc lộ cái bên trong là cốt cách của một người nghệ sĩ có cái nhìn quan sát rất tinh tế:
”Gió ru ngọn tóc bềnh bồng
Thổi bay vạt áo thả rông ngọc ngà
.”
  Là thế đấy, mới đọc câu thơ, ta thấy sự trần tục quá ư lộ liễu ,nhưng nếu để ý lại một chút xíu thôi thì ta lại thấy cái tài tình trong sự quan sát rất nhạy cảm, tinh tế và rất nghệ thuật để đưa vào thơ của tác giả. Phải có con mắt và đầu óc nghệ thuật lắm tác giả mới có thể lột tả được hết vẻ đẹp trong từng đường cong cơ thể. Tôi được biết nghệ thuật thời xưa người ta thường lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực. thì nay, ta lại bắt gặp cái đẹp “thả rông ngọc ngà” trong thơ Đỗ Văn.
  Thơ Đỗ Văn có sức lay động và cuốn hút người đọc bởi những nét sáng tạo làm cho câu chữ trong thơ lấp lánh sáng lên:
“Như gốc cây ở cuối con đường
Như bóng trăng luôn ẩn mình dưới nước
Có lắm ước mơ nhưng mãi không bao giờ có được
Xuân chưa kịp đón chào đã vội vàng rảo bước đến mùa đông.”

(Em hỏi tôi)
Hay sự kiên cường vững chải khi:
Hình như..
ta vẫn là ta
Vẫn ngoan ngoãn đón phong ba giữa trời
Dang tay hứng giọt sương rơi
Chắt chiu nỗi nhớ..
gởi người yêu thương

(Hình như)
  “Ta” ấy cũng có thể là sự ẩn dụ của từng hàng cao su thẳng tấp đứng đón nắng gió từ xứ “Bụi mù trời” mà vẫn không hề gục ngã. vẫn đứng đó, sừng sững hiên ngang nhưng khiêm nhường như Con người miền núi bao năm nay chịu thương chịu khó, vẫn đứng vững trên đôi chân của mình trước những bão táp phong ba cuộc đời. 
Hình như..ở cuối khu vườn
Có đôi chim nhỏ uyên ương vẫy chào
Ban ngày ta bỗng chiêm bao
Hình như..Em đã..đi vào hồn ta.”
 
Vâng ! Đọc thơ Đỗ Văn là cả mạch nguồn cảm xúc cứ tuôn trào thấm đẫm tình yêu thương, là mạch nguồn cảm xúc không bao giờ dứt trong thơ người,
Thật đáng quý và đáng trân trọng
  Là một người yêu thơ tự do,trong đó có thơ của Đỗ Văn,tôi đã cảm xúc thật khi viết nên những giòng chữ này chỉ với một mong muốn là được chia sẻ với chính tác giả và các bạn trên thế giới ảo này, với cuộc sống có quá nhiều bon chen giành giật mọi thứ để tồn tại mà vẫn còn có những vần thơ rất bình dị ở ngoài cuộc sống thực, nhưng khi đọc lên lại thấy gần gũi với chính mình,với chính cuộc đời mình.
Xin cảm ơn chú ! Chú Đỗ Văn.
                      
Trúc Hà - Nhân văn
                          Tháng 1/2014.


2 nhận xét:

  1. tím đây rồi! Qua thăm con cua nhỏ của dì tím sáng mùng hai Tết nè!
    NGHÌN ĐIỀU NHƯ Ý
    VẠN SỰ NHƯ MƠ
    TRIỆU ĐIỀU BẤT NGỜ
    TỶ NIỀM HẠNH PHÚC
    Luôn hiện diện cùng con và gia đình với mọi ngày trong năm nha! tím thân mến chúc.

    Trả lờiXóa
  2. Chúc một cái tết vui vẻ anh vui nhá Út

    Trả lờiXóa