Hình ảnh

Hình ảnh

4 tháng 4, 2014

Thần Khúc - Kinh Thánh của thời Trung Cổ, Dante - Homère của nước Ý.

CUỘC ĐỜI CỦA DANTE
 
Dante sinh năm 1265 tại Firenze (Florence), miền trung nước Ý. Ở thời Dante trên bán đảo Ý, chưa có một quốc gia Ý thống nhất như ngày nay, trái lại có hàng chục tiểu vương quốc và công quốc thành phố tự trị. Phía bắc Firenze là công quốc Milano, phía Đông là Cộng Hòa Venezia quê hương của Marco Polo mà năm 1271, ông du hành sang tận Trung Quốc, Chiêm Thành và lưu lại Bắc Kinh trong 17 năm. Phía Tây Milano là nước cộng hòa Genova quê hương của Cristoforo Colombo năm 1492 đã phát hiện ra Tân Thế giới châu Mỹ. Phía Nam là Vatican của Giáo Hoàng, Vương quốc Napoli, Vương Quốc Sicilia.. Dù có nhiều vương quốc, công quốc khác nhau nhưng bán đảo Ý vẫn là khu vực phát triễn tiên tiến nhất thời Trung Cổ, nó thừa hưởng di sản nền văn minh La Tinh và Hy Lạp thời cổ đại.


 
Dante sớm mồ côi cha mẹ, một người hảo tâm dã dạy Dante tiếng La tinh và truyền cho Dante niềm say mê văn chương, nhất là văn chương phúng dụ, thơ ngụ ngôn lúc bấy giờ đang nở rộ ở Pháp. Thông qua tiếng La Tinh, Dante say mê thơ ca cổ đại và tôn sùng Virgilo :
 
" Người là Thầy, là Tác giả của tôi, chính nơi Người mà tôi đã học. Phong cách thanh tao làm vinh dự thơ tôi. "( ĐN I)
 
Dante cũng học tiếng Pháp, tiếng Provençal, đi sâu vào nghiên cứu thần học, triết học, thiên văn học và trở thành một người có kiến thức bách khoa uyên bác nhất thời đại ông. Cuộc đời thanh niên của Dante là ba niềm say mê: yêu đương, sáng tác thơ và hoạt động chính trị.
 
Dante đi vào tình yêu và thi ca rất sớm. Mối tình đầu buổi thiếu thời Dante đã sáng tác và gom lại thành tập thơ: Cuộc đời mới (La Vita nova), đó là tập thơ tình đầu tiên của một chàng trai vừa biết yêu.
 
Dante cũng từng tham gia hoạt động chính trị rất sớm. Quê hương Firenze ( Florence) của ông có hai phái đối địch: Phái Ghibellini muốn tìm sự ủng hộ của Hoàng đế nước Đức để thống nhất đất nước, trong khi phái Guelfi lại đặt niềm tin nơi Giáo Hoàng. Từ năm 1289 phái Guelfi hoàn toàn thắng thế nhưng rồi phái này lại chia thành hai phe: phe Đen và phe Trắng. Phe Đen muốn liên minh với Giáo Hoàng, còn phe Trắng hướng về Hoàng đế Đức. Mâu thuẩn vẫn còn nguyên, và cuộc đấu tranh lại tiếp diễn ác liệt.
 
Dante đứng về phái Guelfi và từng hai lần đại diện phái mình đi thương thuyết. Năm 1300 ông được bầu vào Hội đồng Thị chính Firenze. Sau sự chia rẽ của phái Guelfi, ông lại đứng về phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo Hoàng. Giáo Hoàng cầu viện Pháp, Charles de Valois. Năm 1301 quân Pháp tiến vào Frirenze, phe Đen lưu vong trở về, tổ chức đàn áp phục thù. Dante bị vu khống. Hai lần bị xét xử. Lần thứ hai bị kết án thiêu sống trên giàn hỏa, khiến ông phải rời bỏ quê hương, bắt đầu cuộc sống lưu vong, mai danh ẩn tích, nay đây mai đó. Niềm hy vọng trở về quê hương lần cuối cũng tan biến dần vì hai lần tên ông bị xóa khỏi danh sách ân xá.
 
Dante mất năm 1321 tại Ravenna, một thành phố nằm bờ biển đông bắc Firenze. Năm 1519 Viện Hàn Lâm Firenze kiến nghị với Giáo Hoàng tha thiết xin chuyển phần mộ nhà thơ về quê hương, nhưng Ravenna kiên quyết chối từ. Cuối cùng Firenze tự bằng lòng với việc xây ngôi mộ giả của Dante bên cạnh các mộ thật các danh nhân Michel Angelo (1475-1564), Galileo Galiei (1564-1642).. trong nhà thờ Santa Croce, một điện Panthéon của Ý ở trung tâm thành phố Firenze.
 
Ở Việt Nam tên tác phẩm của Dante từng được dịch dựa vào tên tiếng Pháp La Divine Comédìe nên dịch thành Hài Kịch Thần Thánh, hay Tấn hài kịch tuyệt diệu. Nhưng tác phẩm nguyên thủy của Dante bản cổ nhất chép sau ngày mất nhà thơ 15 năm chỉ ghi chú bằng tiếng Ý: Commedia hay bằng tiếng La Tinh Comoedia. Thuật ngữ này không có nghĩa là một thể loại văn học gây cười , hài kịch đối với bi kịch theo thuật ngữ ngày nay mà là ở vị trí trung gian giữa phong cách cao sang và phong cách bình dân. Thuật ngữ này cũng là tên gọi loại văn "mở đầu nặng nể " và "kết thúc có hậu ". Có thể dịch tiếng Việt là Những khúc ca thần diệu, dịch ngắn gọn là Thần Khúc. Các bản dịch Trung Quốc đã dùng là Thần Khúc.
 
Năm 1979, qua tư lìệu tiếng Pháp do GS Nguyễn Văn Hoàn cung cấp, Giáo sư Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng đã tuyển dịch 30 ca khúc trong 100 ca khúc Thần Khúc. Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội. dựa theo bản tiếng Pháp La Divine Comédie do Henri Longnon dịch, nhà xuất bản Garnier Frères. Paris 1962. Phần dịch này được Gs Nguyễn Văn Hoàn dùng lại và bổ túc, hiệu đính và dịch toàn bộ 100 ca khúc của Thần Khúc.
 
TÓM LƯỢC THẦN KHÚC
 
Thần Khúc kể lại cuộc du hành kỳ lạ của Dante sang thế giới bên kia - thế giới của người đã chết. Nhà thơ Virgilie được Béatrice, người yêu thiếu thời của Dante phái tới làm người hướng dẫn Dante đi tham quan Địa ngục và một phần Tĩnh thổ. Đến đây Virgilio vì chưa chịu phép rửa tội đạo Thiên Chúa nên không được phép đi tiếp, Béatrice xuất hiện và hướng dẫn Dante đi xem Thiên đường.
 
Trước Dante, Homère đã tả cảnh Ulysse xuống Địa ngục nhờ tiên tri Tirésias chỉ dẫn gặp mẹ, và gặp tất cả các nhân vật lịch sử, các giai nhân danh tiếng. Nhưng cảnh thiên đường của Homère mà Ulysse trải qua thật đặc biệt. Bảy năm sống trong Thiên đường của tiên nữ Calypso, Ulysse được tiên nữ cứu sống chết đuối trên biển và cầu khẩn làm chồng, được hầu hạ cung phụng đủ điều, ăn ngon, mặc đẹp. Được tình yêu một nàng tiên tóc vàng đẹp tuyệt trần, và còn được Calypso hứa cho tuổi thanh xuân bất tử. Ulysse từ một anh hùng đầy mưu kế, đầy chiến công anh dũng thành Troie bỗng trở nên, một món đồ chơi trong tay tiên nữ Calypso, chỉ sống hưởng thụ và thỏa mãn thân xác cho tiên nữ, Ulysse trở nên lại buồn chán trong thiên đường Calypso, chiều chiều ra bờ biển ngồi khóc, ngóng về quê hương nhớ vợ, nhớ con. Khi được Thiên đình Zeus và Thần nữ Athéné và các thần hội họp buộc Calypso phải trả người tình tù. Ulysse hăm hở đóng bè về quê hương, dù phải vượt qua bao sóng gió biển cả, dù cho Calypso có khuyên răn, ngăn cản và cho biết những khó khăn. Trở về quê hương lại phải chiến đấu với hàng trăm kẻ cầu hôn, đang chực chiếm ngôi, dành người vợ Pénélope, trêu chọc, ngược đãi con trai Télémaque. Cuối cùng Ulysse đã chiến thắng giết trăm kẻ cầu hôn, thần Hermès dẫn hồn bọn cầu hôn xuống địa ngục, gặp hai viên Phán Quan mới là Vua Agamemnon và Phán Quan cũ là Achille. Linh hồn bọn cầu hôn kiện Ulysse, nhưng Phán Quan xử phần thắng về Ulysse và ca ngợi Pénélope trung trinh. Ở trần gian, thân nhân bọn cầu hôn nổi loạn nhưng thần nữ Athéné can thiệp, Ulysse lại sống hoà bình với toàn dân Ithaque bên người vợ trung trinh Pénélope và con trai Télémaque..
 
Ulysse đã từ chối cuộc sống bất tử tuổi thanh xuân nơi thiên đường Calypso, để chọn lựa cuộc sống ngắn ngủi trên trần gian đầy khó khăn nguy hiểm.
 
Trong tác phẩm Enéide của Virgilio(Virgile) cũng có đề cập đến thiên đường, địa ngục. Trong văn học cổ Việt Nam cũng có chuyện Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Dương Từ - Hà Mậu.. đề cập đến. Nguyễn Du cũng viết Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh, rồi đây chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn trong so sánh giữa Thần Khúc của Dante và Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh. Nhưng tưởng tượng của Dante thiết kế cảnh Thiên đường, Địa ngục thật rộng lớn đa dạng và sinh động. Dante trở thành một phán quan, một Diêm Vương cho các nhân vật đối lập của mình xuống địa ngục, kể cả Đức Giáo Hoàng và cho những người mình liên kết chính trị, mình kính mến lên Thiên Đường.
 
Tác phẩm của Dante gồm 100 ca khúc: gồm Địa ngục, Tĩnh thổ, Thiên đường, mỗi phần gồm 33 ca khúc, cộng thêm một ca khúc mở đầu. Toàn tác phẩm theo thể thơ Terzina, cứ mỗi khổ thơ 3 cấu được móc nối với nhau bằng hệ thống vần ABA, BCA,CDC, DED.. Vai trò quan trọng con số 3 trong Thần Khúc, từ con số 3, có bội số là 9. Trong Cuộc đời mới Dante gặp người yêu Béatrice lần đầu hai người đều lên 9, gặp lần thứ hai 9 năm sau, đúng 9 giờ sáng, lúc cả hai tròn đôi 9. Trong Thần Khúc Dante cho Béatrice xuất hiện lại ở khúc 30 phần Tĩnh thổ, lại là khúc 63 toàn tác phẩm.. Tóm lại Dante đã xử dụng tiểu xảo số 3 để sắp xếp quan niệm giáo lý ba ngôi của đạo Thiên Chúa, một con số hoàn thiện, hoàn mỹ.
 
Thần Khúc có nhiều ý nghĩa tượng trưng: Khu rừng rậm tượng trưng cho cuộc đường đời đầy bất trắc: ba con thú là ba thói hư tật xấu con người: Dâm đãng, Kiêu căng và Gian lận. Béatrce, người yêu của Dante thời thơ ấu tượng trưng cho sự sáng suốt của thượng giới, có thể chi phối sự sáng suốt của hạ giới. Virgilio, nhà thơ La Mã, Dante kính phục là bậc thầy của thi ca mình, tượng trưng cho sự sáng suốt của trần thế của triết học, khoa học... Những hình phạt Địa ngục đều mang những biểu tượng: những tên bạo chúa lội bì bõm trong biển máu sôi sùng sục, những tên cho vay nặng phải mang ở cổ những túi tiền nặng trĩu, những kẻ đam mê sắc dục bị cuốn quay cuồng trong gió lốc, những tiên tri khoắc lác là biết mọi chuyện tương lai thì đầu bị bẻ ngoặt về phía sau..
 
Trong Thần Khúc có những trang xúc động kể lại mối tình say đắm giữa nàng Francesca da Rimini và ngưòi em chồng Paolo, hoặc cảnh Bá tước Ugolomo bị giam trong tháp tù tận mắt chứng kiuến những đứa con mình lần lượt chết đói. Hoặc cảnh bi hùng của đoàn Ulysse trong chuyến đi biển cuối cùng.
 
Thần Khúc còn là bức tranh hiện thực của xã hội Ý thời Dante. Vị quan toà Dante mở phiên toà xét xử các tội nhân chỉ vì mục đích, muốn uốn nắn, cải hóa con người, nhằm hoàn thiện thiên đường nơi trần thế. Các tội nhân bị xét xử không phải vì tội tổ tông vu vơ nào mà chính vì tội ác do chính mình gây ra, bị dân chúng và lịch sử lên án.
Dante viết:
Tôi thấy từng lũ âm hồn trần truồng,
Tất cả đều khóc lóc cực thảm thương,
Và hình như hình phạt khác nhau.
Có những người nằm dài trên mặt đất,
Những kẻ khác thì ngồi thu mình lại,
Một số khác cứ phải đi lại liên hồi.
(Khúc XIV. Địa Ngục)
Ta không khỏi liên tưởng đến cảnh Nguyễn Du tả trong Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh; Cảnh lang thang cực khổ các cô hồn:
Mấy thu chịu nhiều bề thảm thiết.
Dạ héo khô gió rét căm căm,
Dãi dầu biết mấy trăm năm,
Khóc than dưới đất ăn nằm trong sương.
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,
Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra.
Lôi thôi ẳm trẻ dắt già,
Có khôn thiêng hỡi lại mà chứng minh.(câu 149 -156)
Ta thử đọc cảnh âm hồn bọn cầu hôn trong Odyssée của Homère được thần Hermes dẫn về cõi âm, bản dịch thơ lục bát của Nhất Uyên.
Nói về đường xuống cõi âm
Sứ thần Mai Hạc dẫn hồn cầu hôn.
Phép mầu thần cõi Chi Liên.
Đũa vàng huyền diệu ru hồn cầm tay,
Khép mi, thoát dẫn hồn đi,
Lìa thân về cõi âm ty nghìn trùng.
Đũa thần dẫn lũ âm hồn,
Đêm sương tăm tối lạnh lùng tiếng chim,
Từ muôn lỗ tối hang đen,
Cánh dơi thấp thoáng bóng đêm chập chàng.
Hồn theo dơi lạnh non ngàn,
Gieo chùm đá biếc, kêu than đường dài,.
Thoáng sao băng vượt trời mây,
Qua truông rừng thẳm, vượt bay sóng ngàn.
Vượt qua sóng cả Đại Dương,
Vượt đá Liêu Cát, Cửa Thần Thái Ô,
Vượt qua Suối Mộng thuyền đò,
Đến đồng lan dại, trắng bờ lau thưa.
Nơi đây tạm nghỉ hồn vừa,
Mới lìa trần thế đợi chờ Phán Quan.
Khúc XXV Nơi Địa Ngục - Hoà Bình. Câu 11547 câu 11566.
Khác với Homère : Truyện Thơ Odyssée có ba cõi, cõi thần, cõi người, cõi địa ngục, nhân vật Ulysse đi từ cõi thần tiên, vào cõi địa ngục rồi lại trở về cõi người, giữa ba cõi giao lưu như ngôi nhà ba tầng tâm thức con người. Dante lấy cảm hứng từ thơ Homère đưa mình đi từ cõi địa ngục, lên cõi tĩnh thổ rồi lên cõi Thiên Đàng ở trên các vì sao. Dante tự mình làm Phán Quan, cho các nhân vật chính trị đối lập mình xuống địa ngục, và bạn đồng minh của mình lên Thiên đàng. Nguyễn Du viết Truyện Kiều chỉ viết về cõi con người, phần liên hệ với người chết Nguyễn Du cho rằng: Chẳng qua đồng cốt quàn xiêng. Người đâu mà lại thầy trên cõi đời. Dù cho người lên đồng nói có đúng sự thật không tìm thấy Kiều dưới địa ngục. Nguyễn Du dành phần viết về cõi âm cho một bài văn tế riêng: Văn tế Thập Loại Chúng Sinh. Một bài Văn tế : kính nhi viễn chi. Quỷ thần nên kính và đứng tránh xa. Nguyễn Du tả mười loại âm hồn: Vua chúa bị giết, Quý nữ liều thân, Tể thần thất thế, Đại tướng bại trận, Ham giàu chết đường, Ham danh chết quán, Buôn bán chết xa, Binh lính chết trận,, Kỷ nữ cô đơn, Chết bởi nghèo nàn tai họa. Đó là những người , thân thuộc, bạn bè, anh em.. Nguyễn Du gặp trên cõi đời, chết không ai cúng kiến, hồn lang thang vất vưỡng, phải cầu Phật độ để linh hồn được siêu thoát trong vòng luân hồi. Nguyễn Du không viết một bài văn tế nào cho chúa Trịnh Tông, cho vua Lê Chiêu Thống, cho vua Cảnh Thịnh, cho tướng Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh, cho Đặng Thị Huệ, cho anh Nguyễn Khản, anh Nguyễn Điều, anh Nguyễn Nể, cho các con chết yểu từ Nguyễn Nhất đến Nguyễn Tứ, cho vợ Đoàn Nguyễn thị Huệ, cho từng giai nhân Nguyễn Du gặp trên đường đời.. nhưng Nguyễn Du viết một bài văn tế chung cho tất cả mọi người. Nguyễn Du không tả cảnh địa ngục dù truyện kể, truyền thống nhân gian Việt Nam cũng có chuyện bỏ đồng tiền vào miệng người chết để đi đò vào cõi Địa Ngục như Hy Lạp, ăn cháu lú để quên kiếp trần gian đầu thai kiếp khác. Có Ngưu đầu, Mã diện dẫn vào chầu Diêm Vương, người bị xử tội bỏ vào vạc dầu, hay thú dữ cắn xé.. rồi bị lột da, đắp vào da mới cho đi đầu thai.. Tại chùa Ngọc Hoàng, Sài Gon, năm 2011 tôi có dịp được xem cảnh địa ngục được chạm khắc với nhiều chi tiết thú vị.
Cũng như Homère, Dante coi trọng hạnh phúc trần thế, thừa nhận kiếp nhân sinh hiện hữu trước mắt và hầu như không hề ảo tưởng về thế giới mai sau.
Dante cũng không dấu diếm thái độ chính trị khi ném các đối thủ phái Ghibellini và các vị Giáo Hoàng, kể cả Giáo Hoàng Bonifazio đang trị vì xuống tầng Địa ngục sâu nhất (Khúc XIX), trong lúc đó ông lại dành cho đồng minh chính trị mình Hoàng đế Đức Arrigo VII, người mà ông đặt hy vọng vào việc hỗ trợ thống nhất nước Ý, một chỗ vinh dự trên Thiên đường.
Nhà nghiên cứu văn học Francesco de Sanctis (1817-1883)trong Storia della Letteratura Italiana (Lịch sử văn học Italia) Nxb Feltrinelli, Milanno, 1964 tập I tr 169 đã viết : " Thần Khúc là thời Trung Cổ được biểu hiện trong nghệ thuật. Những điều trông thấy và phúng dụ, văn chính luận và truyền thuyết, sử biên niên, truyện kể, tụng thi, thánh ca, chủ nghĩa thần bí và kinh viện học, tất cả những hình thái văn chương và toàn bộ văn hóa của thời đại, đã được biểu hiện và tái sinh ở đây, trong cái bí ẩn vĩ đại của một tâm hồn và của cả nhân loại, một tác phẩm tầm cở thế giới, ở đó phản chiếu mọi dân tộc, mọi thế kỷ, được gọi là thời Trung Cổ."
Tác phẩm Thần Khúc của Dante được tôn sùng là Kinh Thánh của thời Trung Cổ, Dante là Homère của nước Ý. Dante được xem là người cha của tiếng Ý và của Văn học Ý.
 
QUYỂN I : ĐỊA NGỤC
 
Dante thấy mình lạc trong rừng tối. Ba con dã thú chặn đường. Virgilo xuất hiện, dẫn Dante du hành sang thế giới bên kia.(Khúc I) Dante e ngại trước cuộc du hành. Virgilo khuyến khích Dante bằng cách tiết lộ sự ủy thác của Béatrice. Dante được trấn tỉnh.(Khúc II)
Cửa vào Địa ngục. Nhóm tội đồ thứ nhất: Bọn bạc nhược. Dòng sông Akéronté và lão lái đò Caron.(Khúc III)
Tầng thứ nhất của Địa ngục: Minh phủ dành riêng cho các vĩ nhân chưa qua phép rửa tội: Homère, Horace, Ovide, Lucano. Virgilo được tôn vinh là người thứ năm và Dante là người thứ sáu.(Khúc IV)
Tầng Địa ngục thứ hai. Những người dâm đãng. Mối tình bi thảm của Francesca da Rimini.(Khúc V)
Tầng Địa ngục thứ ba : Siasco, âm hồn quê ở Frirenze, tiên đoán về diễn tiến tương lai của thành phố mình.(Khúc VI)
Tầng Địa ngục thứ tư . Quái vật Pluto. Những kẻ hà tiện, những kẻ hoang phí, những kẻ cuồng nộ.(Khúc VII).
Tầng Địa ngục thứ năm : Filippo Argenti, một người Frirenze giàu có thuộc phái Đen, bị trừng phạt. Bọn quỷ sứ ngăn không cho Virgilo và Dante vào thành Dite(Khúc VIII)
Tầng Địa ngục thứ sáu. Nhờ sự can thiệp của Thiên đình. Virgilo và Dante được vào thành Dite, nơi giam những người dị giáo.(Khúc IX). Dante gặp kẻ thù chính trị của phe mình Farinnata, thủ lĩnh của phe Ghibellini và gặp người bạn cũ thân thiết Guido.(Khúc X).
Tầng địa ngục thứ bảy. Trật tự giam giữ dưới Địa ngục. Ngục thứ nhất: Tội bạo hành và tội gian lận.(Khúc I ). Con quái vật Minotauro(Đầu bò tót, thân người). Dòng sông máu và những kẻ bạo hành. Thần nhân mã Nesxo dẫn đường cho Virgilo và Dante.(Khúc XI I). . Ngục thứ hai. Những người tự sát biến thành cây. Số phận Frirenze.(Khúc XIII I. Ngục thứ ba. Sa mạc cát dưới trận mưa lửa. Dòng sông máu. Nguồn gốc các sông dưới đí ngục (Khúc XIV) Dante gặp lại và trò chuyện với thầy học Brunetto Latini (Khúc XV). Dante trò chuyện với ba âm hồn Frirenze (Khúc XVI). Dante đến xem bọn cho vay nặng lãi. Virgilo và Dante cưỡi trên lưng quái vật Gìrong để đi xuống vực sâu (Khúc XVII)
Tầng địa ngục thứ tám : Địa ngục thứ nhất. Những kẻ quyến rũ, những tên ma cô đi thành hai toán. Ngục thứ hai : Bọn xu nịnh ngập trong hố phân (Khúc XVIII).Ngục thứ ba: Nơi Giáo Hoàng Nicolas III và bọn buôn thần bán thánh bị hành tội. (Khúc XIX) Ngục thứ tư. Những thầy bói tiên tri. Virgilo nói về nguồn gốc thành phố Mantova.(Khúc XX) Ngục thứ năm : Bọn tội đồ với thùng nhựa sôi. Virgilo thương lượng với con quỷ có đuôi. Dante và Virgilo được quỷ sứ hộ tống.(Khúc XXI) Ngục thứ năm : Bọn ăn hối lộ và bọn cố ý làm sai chức trách. Lũ quỷ sứ tức giận vì bị đánh lừa. (Khúc XXII) Ngục thứ sáu: Bọn đạo đức giả mặc áo chì nặng chĩu (Khúc XXIII).. Ngục thứ bảy. Bọn ăn trộm đồ thờ Chúa bị rắn cắn, cháy thành tro, rồi lấy lại hình người. Vanni Fucci bộc lộ tội trạng của mình (Khúc XXIV). Những sự hổn xược của Vanni Fucci, Cacao Sự biến hóa khủng kiếp của hai tên kẻ cắp. (Khúc XXV). Ngục thứ tám : Những âm hồn bị bọc trong lửa. Ulysse kể lại chuyến đi biển cuối cùng.(Khúc XXVI) Bọn cố vấn gian giáo. Guy Montefrentero và vai trò của Bonifascio VIII (Khúc XXVII). Ngục thứ chín: Bọn chia rẽ và bọn ly gián tôn giáo. Cuộc gặp gỡ Maometto (Mahomet) và Bertram del Bornio.(Khúc XXVIII) Ngục thứ mười. Bọn làm giả kim, bọn dối trá (Khúc XXIX) Ngục thứ mười: Những kẻ gian dối giả mạo: Gianni Schicchi, Mirra, Adam Thợ cả đúc tiền giả.(Khúc XXX).
Tầng Địa Ngục thứ chín. Những kẻ khổng lồ quanh hố ngục. Khổng lồ Antéo đặt Virgilo và Dante xuống đáy ngục sâu (Khúc XXXI). Vùng ngục thứ nhất (Caina) Những bá tước ở Mangova. Vùng ngục thứ hai : Bocca Abbatti Ganéloné. (Khúc XXXII). Vùng ngục thứ ba: Bá tước Ugolono kể về cái chết của ông và con cháu. Dante nhục mạ Pida va Genova.(Khúc XXXIII) Ngục thứ tư Lucifero và ba tên tội phạm lớn nhất của Giáo Hội: Giuda, Bruto, Cassio . Hai nhà thơ trở về trần thế.
 
QUYỂN II. TĨNH THỔ
 
Dante ra khỏi địa ngục và ngắm các vì sao. Bãi biển của Tĩnh Thổ. Catoné, thiên thần của Tĩnh Thổ xuất hiện. Virgilo trò chuyện với Catoné (Khúc I). Các thiên thần chỡ thuyền xuất hiện. Dante gặp lại bạn cũ nhạc sĩ Caselle và trò chuyện thân mật (Khúc II) Gặp gỡ một đoàn âm hồn, Trò chuyện với linh hồn vua Manfredi.(Khúc III). Tiền Tĩnh Thổ.
Tầng thứ nhất của ngọn núi, Mặt trời ở bán cầu Nam. Dante gặp người quen Belacqua. (Khúc IV). Tầng thứ hai của ngọn núi. Gặp gỡ và trò chuyện với những âm hồn bị chết vì bạo lực: Iacopo del Cassero, Bonconte da Montefeltro và Pia. (Khúc V).
Tầng núi thứ hai. Bàn về hiệu quả lời cầu nguyện, Virgilo gặp Sordello, chỉ trích nước Ý, Đế chế, Giáo Hoàng và Frirenze. (Khúc VI) Sordello dẫn hai nhà thơ đến một thung lũng nhỏ xinh đẹp và chỉ cho thấy một số âm hồn khác.(Khúc VII). Trong thung lũng cầu kinh buổi chiều, có con rắn và hai thiên thần bảo vệ thung lũng, Dante trò chuyện với Nino Viscoti và Currado Malaspina.(Khúc VIII). Dante ngủ và mơ. Tỉnh giấc ở gần Tĩnh Thổ. Thiên thần gác cổng mở cửa (Khúc IX) Những tranh tượng khắc trên vách đá: Maria, David, Traiano chỉ trích tật kiêu căng của con người.(Khúc X) Đoàn âm hồn vừa đi vừa cầu nguyện. Những kẻ kiêu ngạo: Omberto Aldobrandeschi, Odersrisi da Gubbio và Provenzanoo Savani. (Khúc XI) Tranh khắc về những kẻ kiêu ngạo. Thiên thần của đức tính khiêm nhường. Đi lên tầng thứ hai (Khúc XII) Quang cảnh tầng núi thứ hai. Virgilo ca ngợi mặt trời. Lời nói các thiên thần bay trên không trung. Chuyện kể của Sapia, một âm hồn ở Siena. (Khúc XIII). Những kẻ đố kỵ Guydo del Duca và Riniéri da Canboli. Sự suy thoái của thung lũng Arno và Romanha. Những trường hợp đố kỵ bị trừng phạt. Những tiếng nói huyền bí trên không trung. (Khúc XIV). Rời tầng núi thứ hai lên tầng thứ ba. Thiên thần khoan dung xuất hiện Virgilo giảng giải một câu khó hiểu của Guydo del Duca và sự phân chia của cải ở thế gian và trên trời.
Tầng núi thứ ba. Những kẻ giận dữ. Những tấm gương về sự khoan dung.(Khúc XV) Trong làn khói đen: Gặp Marco Lambardo. Nghi hoặc của Dante và Marco giảng giải về tự do ý chí. Những nguyên nhân của sự biến chất.(Khúc XVI) Tầng núi thứ ba lên tầng thứ tư: Những dẫn chứng cuối cùng về sự giận giữ tội lỗi. Virgilo trình bày lý thuyết về tình yêu, được xem là nguồn gốc mọi đức hạnh và tội lỗi.(Khúc XVII)
Tầng núi thứ tư: Những kẻ lười biếng, Virgilo nói tiếp về tình yêu, tự do ý chí và trách nhiệm của con người. Câu chuyện của Tu viện trưởng Thánh Déno.(Khúc XVIII). Giấc mơ tượng trưng của Dante và sự giải thích của Virgilo.
Tầng núi thứ năm: Những kẻ biển lận và những kẻ hoang phí. Dante nói chuyện với Giáo Hoàng Adreriano V.(Khúc XIX) Những kẻ biển lận bị trừng phạt : Hugue Capet và dòng họ vua Pháp. Động đất, bài thánh ca Vinh quang thay Chúa Trời.(Khúc XX) Linh hồn Stazio giải thích về sự rung chuyển của trái đất. và sự giải thoát các linh hồn trong sạch. Virgilo và Stazio nhận ra nhau.(Khúc XXI) Tầng thứ năm lên tầng thứ sáu. Câu chuyện cuộc đời của Stazio. Các nhà thơ cổ đại.
Tầng núi thứ sáu: cây cám dỗ những kẻ tham ăn.(Khúc XXII). Những kẻ tham ăn. Dante gặp bạn cũ Forese. Sự suy thoái đạo đức các phu nhân thành Frirenze.(XXIII) Bonagiunta ở Lucca Văn phong mới dịu dàng thi phái của Dante.. Câu chuyện Forese và cái chết của Corso Donati. Cây cám dỗ thứ hai.(khúc XXIV). Tầng thứ sáu lên tầng thứ bảy Bàn về sự hình thành thân xác và linh hồn có lý trí của con người. Sự hoạt động của linh hồn sau khi chết.
Tầng núi thứ bảy: Những kẻ dâm đãng và phạm tội về xác thịt. (Khúc XXV). Những người vi phạm quy luật tự nhiên. Nhà thơ Guydo Guinidenli. Nhà thơ Arno Danien. (Khúc XXVI). Thiên thần của sự trong trắng. Dante trước bức tường lửa. Thiên thần của thiên đường trên mặt đất. Giấc mơ của Dante: Lia và Raken. Ở ngưỡng cửa thiên đường Virgilo nói lời từ biệt Dante.(Khúc XXVII). Nữ thiên thần Matenda giảng giải cho Dante về sông Lété và mọi hiện tượng và bản chất khác thường của Thiên đường mặt đất. (Khúc XXVIII) Dante và Matenda đi dọc sông Lété. Đám rước thần bí : 7 cây đèn nến, 24 ông già, 4 con vật có cánh. Cổ xe do sư tử, chim ưng kéo. Bảy ông già cuối cùng (Khúc XXIX). Béatrice xuất hiện. Virgilo biến mất. Những lời trách móc của Bétrice. Lòng trắc ẩn của các thiên thần (Khúc XXX). Béatrice tiếp tục trách móc. Dante thú tội. Mantenda đem nhúng chàng vào dòng sông Lété và chàng được dẫn đến trình diện Béatrice.(Khúc XXXI). Đám rước tiếp tục, giấc ngủ của Dante. Sứ mệnh của Dante với những người sống. Những hiện tượng tượng trưng : Con đại bàng, con cáo, con rồng. Biến đổi của cổ xe. Cô gái điếm và anh khổng lồ.(Khúc XXXII). Những lời báo trước của Béatrice. Matenda dẫn Dante đi uống nước sông Ennoé. Dante sẳn sàng đi lên các vì sao.
QUYỂN III. THIÊN ĐƯỜNG
Dante lên Thiên Đướng., Dante say mê và thán phục. Béatrice giải thích cho Dante vê trật tự và sự chuyển vần của vũ trụ. (Khúc I).
Vùng trời thứ nhất: Vùng trời của Mặt Trăng. Lời báo trước với độc giả. Dante đi vào diệu kỳ trong thiên thể đó. Những vết đen trên mặt trăng. Sự lầm lẫn của Dante và giải thích của Béatrice (Khúc II). Những linh hồn không hoàn thành lời nguyện của mình. Picarda Donati. Hoàng Hậu Costanza vĩ đại.(Khúc III). Béatrice giải đáp những thắc mắc của Dante. Đâu là ngôi vị của những người chân phúc ? Công lý thần thánh được thực thi như thế nào ? Béatrice khẳng định những sai lầm của Platon : sau khi người chết linh hồn sẽ trở về các ngôi sao, mối quan hệ giữa bạo lực và ý chí .(Khúc IV) . Thực chất giá trị của một lời nguyền, Điều kiện và giới hạn trong việc đổi một lời nguyền. Vùng trời thứ hai : vùng trời của sao Thủy. Những người chân phúc đón mừng Dante. (Khúc V).Linh hồn của Hoàng Đế Giustiniano I kể cho Dante những chiến công của con Đại bàng La Mã, từ Énée dến Carlos Manho. Những sai lầm của Guenfi và Ghibenlini chống lại đế quốc. Ca ngợi Roméo di Villannova.(Khúc VI) Béatrice giải đáp những nghi hoặc mới của Dante, sự trả thù về cái chết của Kito, sự hóa thân của chúa, sự biến chất của các yếu tố và sự hồi sinh của thể xác con người. (Khúc VII).
Vùng trời thứ ba ; Vùng trởi của Sao Kim. Linh hồn Carlos Maxtendo. Vua Hungarie trò chuyện với Dante. Ông ta nhận xét về dòng họ mình. Và lý giải vì sao mà con cháu lại có tính cách khác vời ông cha mình.(Khúc VIII ) Những lời tiết lộ của Carlos Martello và Cunizza da Romano. Nhà thơ tình yêu Fonco di Macsighia. Vinh dự của Raab. Lời lên án Giáo Hoàng.(Khúc IX)
Vùng trời thứ tư : vùng của Mặt trời. Các thiên thần họp thành vòng nhảy quanh Dante và Béatrice. Thánh Thomas d� Aquino giới thiệu với Dante từng thiên thần có mặt. (Khúc X). Thánh Thomas đoán biết những băn khoăn của Dante liền giải thích. Thánh Thomas ca ngợi Thánh Francoise D�Assisi và chê trách sự thoái hóa của các tu sĩ dòng Dominique.(Khúc XI) Thánh Bonaventura ca ngợi thánh Dominico và chê trách sự sa sút của các tu sĩ dòng Franciscain. Thánh Bonaventura giới thiệu 11 người bạn mình với Dante (Khúc XII) Thánh Thomas nói với Dante về sự hiểu biết tương đối của Salomoné. Nguyên nhân sự khôn,g bằng nhau giữa các linh hồn (Khúc XIII) Salomon giải đáp những thắc mắc của Dante. Xuất hiện vòng tròn nhảy múa thứ ba. Dante lên
Vùng trới thứ năm, vùng trời của sao Hỏa. Chúa Kitô phóng ra những tia sáng chói lọi. Những bài hát ca ngợi Chúa.(Khúc XIV). Dante gặp vị thủy tổ ba đời là Catsiaguida. Ông này kể lại đời mình và ca ngợi thành Frirenze ngày xưa. (Khúc XV) Dante hài lòng về dòng dõi quý tộc của gia đình mình ; Catsiaguida nói về sự thịnh suy các dòng họ Frirenze.(Khúc XVI). Dante muốn biết tương lai đời mình. Tiết lộ của Catsiaguida Dante sẽ bị đày biệt xứ.(XVII) Nhắc lại một số anh hùng Do Thái, các hiệp sĩ của cuộc Thập tự chinh và của Anh hùng ca.
Vùng trời thứ sáu, Vùng trời của Sao Mộc. Các thiên thần và các vị hằng phúc vừa hát vừa xếp chữ, ca ngợi một công lý.(Khúc XVIII ) Đại bàng nói về công lý thần thánh. Tính chất xấu xa của một số vua Thiên Chúa Giáo Âu Châu. (Khúc XIX) Đại bàng nói tiếp. Những linh hồn nổi tiếng hợp thành con mắt của Đại bàng. Hai người không có đạo ở trên Thiên Đường : Riféo và Traiano (Khúc XX)
Vùng trời thứ bảy, Vùng trời của Sao Thổ. Béatrice không cười nữa, các vị chân phúc không hát nữa. Chiếc cầu vàng. Thánh Piertro Damiano và sự phê phán các vị chăn chiên hiện đại. Bí mật của sự tiền định.(Khúc XXI) Béatrice trấn an Dante. Thánh Bénédetto nói về mình, về các giáo hữu và nguyền rủa sự hủ hóa các tu sĩ.
Vùng trời thứ tám : Vùng trời các định tinh. Dante nhìn về các hành tinh và trái đất.(Khúc XXI I). Kito và Maria xuất hiện giữa những người hằng phúc, sau đó lên vùng trời thiên thanh. Maria với chiếc vương niện bằng lửa, Thánh ca ca ngợi Maria.(Khúc XXIII). Béatrice giới thiệu Dante với những người hằng phúc và đề nghị thành Pietro kiểm tra Dante về Đức tin. Thánh Pietro hài lòng về những câu trả lời của Dante. (Khúc XXIV). Thánh Giacomlo chất vấn Dante về vấn đề hy vọng. Sự xuất hiện cuả Thánh Giuovanni. Dante cố nhìn thánh và mắt bị mù tạm thời (Khúc XXV) Thánh Giovani hỏi quan niệm của Dante về lòng nhân từ. Dante lấy lại thị giác. Adamo xuất hiện và trò chuyện với Dante (Khúc XXVI). Thánh Pierro chỉ trích Giáo Hoàng Bonifascio VIII, và trao cho Dante nhiệm vụ. Dante nhìn xuống trái đất. Dante bay lên .
Vùng trời thứ chín : hay vùng Động lực đầu tiên. Béatrice giải thích về vùng trời này và mối quan hệ với vùng trời khác. (Khúc XXVII) Chín vòng tròn lửa quay quanh một Điểm Sáng Cố Định và Chói Loà (Chúa Trời) Béatrice giải thích sự tương ứng giữa chín vòng tròn lửa này với chín vòng trời. Tôn ty trật tự giữa các thiên thần. (Khúc XXVIII). Béatrice nói về sự sáng tạo và lịch sử các thiên thần. Các thiên thần phản nghịch và các thiên thần trung thành. Khả năng của các thiên thần. Chống lại các ý tường ngông cuồng về thần học và sự khoan dung. Số lượng thiên thần và sự vĩ đại của Chúa Trời.(Khúc XXIX)
Vùng trời thứ mười : Vùng Thiên Thanh : Thiên Đình, Thiên thần và những người hằng phúc. Dòng sông ánh sáng, những tia lửa, những bông hoa. Dante có thị lực mới, Bông hồng Thiên đường. Chiếc ngai dành cho Hoàng Đế Arrigo VII (Khúc XXX) Bông Hồng Trắng, sự kinh ngạc của Dante. Béatrice trở lại chổ của mình. Thánh Bernardo đến thay. Lời cầu khẩn của Dante với Béatrice. Đức Mẹ Đồng Trinh trong vinh quang của mình (Khúc XXXI). Sự sắp xếp chổ ngồi trong Bông Hồng. Những thiếu niên hồn nhiên, sự không ngang nhau giữa chúng trong cõi Thiên Đường. Sự ca ngợi Đức Mẹ Đồng Trinh. (Khúc XXXII). Thành Bernardo cầu nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh chiếu cố đến Dante. Dante nhìn vào Bản Thể Vô Tận và trực cảm về sự thống nhất vũ trụ ở Chúa, về tính duy nhất của Ba Ngôi về bí Mật của sự hóa thân.
Bản dịch Thần Khúc của Gs Nguyễn Văn Hoàn là một kỳ công, tôi thử góp sức thêm, thử diễn ca thành thơ lục bát, để thử Việt hóa bản dịch, tôi sẽ tiếp tục chuyển toàn bộ tác phẩm vĩ đại này ra 14266 câu thơ thành thơ lục bát, và bổ túc những điểm sơ sót, một công việc ít nhất phải mất 5 năm liên tục.
 
THẦN KHÚC
DANTÊ ALIGHIÊRI
Nhất Uyên diễn ca thơ lục bát theo bản dịch GS Nguyễn Văn Hoàn
QUYỂN I ĐỊA NGỤC
KHÚC I
Dante thấy mình lạc trong rừng tối tượng trưng cho sự lầm lạc về đạo lý và tinh thần. Ba con dã thú chặn đường: con báo, sư tử và sói cái tượng trưng cho ba đức tính: dâm dục, kiêu căng và gianb lận. Virgilo, thi hào La Mã, người thầy thi ca của Dante xuất hiện dẫn Dante du hành sang thế giới bên kia.
Nữa đường đời thoáng qua nhanh, 1
Tôi thấy mình lạc rừng xanh mịt mùng.
Nẽo về chính đạo mông lung,
Bao điều cay đắng nói không nên lời.
Rừng hoang hiểm trở núi đồi,
Bao điều kinh hãi, bồi hồi xiếc bao.
Chết khôn bằng, đắng cay sao ?
Những điều trông thấy cùng trao tỏ bày.
Kể cùng nhau mọi điều hay,
Kể làm sao được vì say giấc nồng. 10
Lúc xa chính đạo mơ mòng,
Thấy mình bỗng tới dưới chân ngọn đồi.
Cuối vùng thung lũng bên trới,
Đã từng vò xé tim tôi hãi hùng.
Ngước nhìn lên mắt tôi trông,
Sườn non rực rỡ ánh hồng rạng tươi.
Mọi đường đi, lối tỏ soi,
Nỗi niềm kinh sợ lòng tôi lắng dần.
Trái tim như mặt hồ trong,
Suốt đêm dao động mênh mông mệt nhoài. 20
Như người kiệt sức đi thôi,
Thoát lên bờ ngóng trùng khơi chập chùng,
Ngoảnh nhìn biển cả mênh mông.
Hải hùng ngọn sóng cao dâng hiểm nghèo.
Lòng còn run sợ biết bao,
Khi nhìn lại quảng đường nào đi xa.
Mấy ai từng dễ thoát qua,
Sau khi yên nghỉ thân ta mệt nhoài.
Như đi đường cát trắng dài,
Chân phải vẫn dẽo hơn hoài chân kia. 30
Ngay trên đỉnh dốc, ô kìa,
Một con báo dữ lại vừa hiện ra :
Bộ lông vàng lốm đốm hoa,
Trước tôi, đứng giữa lối qua, chận đường !
Tính bài quay lại nhiều phen,
Bình minh vừa rạng trời lên hồng hào.
Mặt trời thay bóng vì sao,
Tình yêu thần thánh khơi bao tốt lành.
Cho tôi hy vọng trong lòng,
Với con thú có bộ lông đẹp màu. 40
Ngày mùa êm dịu giờ đầu,
Không lâu chợt tới lo âu kinh hoàng !
Sư tử xuất hiện thình lình,
Phía tôi chồm tới như hình tấn công,
Đầu rướng cao, đói khát cuồng,
Đến không gian cũng rợn cơn kinh hoàng.
Lại con sói cái tiếp lên,
Dáng gầy gò vẻ thèm thuồng khát khao,
Làm tôi điêu đứng biết bao,
Làm tôi run rẩy lao xao rụng rời. 50
Phát từ đôi mắt đỏ ngời,
Chẳng còn hy vọng lên đồi đứng trông.
Như kẻ mê bạc tàn canh,
Hồi đen thua sạch than van kêu nài.
Thú kia cũng khiến lòng tôi,
Tiến công tôi phía mặt trời lùi xa.
Khi tôi tuột dốc sa đà,
Im lìm lặng lẽ hiện ra một người.
Trong vô biên hoang vắng đời,
Tôi cầu xin hãy thương tôi dù là: 60
-"Người còn sống hay hồn ma."
-"Ta là người, đúng hơn là người xưa,
Mẹ cha dân Lâm Bác Đa,
Cả hai cùng ở Man Tô Va quê nhà.
Ta sinh cuối thời Sê Da.
Triều Âu Quốc chốn Rô Ma kinh thành.
Thời kỳ thần thánh giả danh,
Là nhà thơ đó ta từng ngợi ca
Con An Chi hiếu thảo từ Troa,
Ý Long kiêu dũng chói lòa lửa dâng. 70
Còn người lạc chốn đau thương,
Không trèo lên núi phi thường huyền vi,
Khởi nguồn cực lạc diệu kỳ ?
-"Phải chăng danh Việt Sinh Thi ngài là ?
Cội nguồn suối thánh sông thơ,
Mặt tôi sung sướng say sưa đỏ bừng.
Ngài là ánh sáng quang vinh,
Ngài là thi sĩ tôi hằng kính yêu,
Bao năm đèn sách bấy nhiêu,
Say mê, mài miệt khiển tiêu thơ ngài, 80
Ngài là thầy dạy thơ tôi,
Nơi ngài tôi học bao lời thanh tao.
Vinh dự thay, phong cách nào,
Cứu tôi, hiền giả thanh cao lẫy lừng.
Ác thú làm tôi sợ run,
Làm tôi dừng lại quay lưng trên đường."
-Hãy tìm lối khác qua rừng,
Nếu người muốn thoát chốn hoang dại này."
Thấy tôi than khóc trả lời,
Loài thú quái ác chẳng ai thoát mình. 90
Chẳng để ai sống trên đường,
Tấn công cắn chết, xông lên thét gào,
Bản tính độc ác biết bao,
Một lòng ham muốn chẳng sao vơi dần,
Ních đầy bụng, càng đói ăn,
Nhiều con thú khác đã cùng kết đôi,
Nhiều con đã đến để rồi,
Một con thần khuyển đi đời đớn đau.
Đất đai, vàng bạc chẳng cầu,
Mà vì tri thức nhiệm mầu tình yêu. 100
Cho một xứ sở thanh tao,
Cứu tinh nước Ý công lao khiêm nhường,
Cam Ninh tuẩn nạn đồng trinh,
Ô Ri, Tuấn, Ních tử thương anh hùng,
Đuổi sói cái khỏi đô thành,
Đem giam ngục tối, dục tình tiêu tan.
Đối với người tốt nhất rằng :
Theo ta về chốn vĩnh hằng an vui.
Người sẽ nghe tuyệt vọng thôi,
Âm hồn đau đớn chết thời thứ hai. 110
Vì hy vọng một ngày mai,
Có người vẫn sống an bài lửa dâng,
Sẽ được lên cõi phúc hằng,
Nếu người muốn chốn thiên đàng cõi trên.
Thì ta sẽ gửi người quen,
Anh hồn xứng đáng khi chân giả từ.
Đấng Thượng Đế ngự trên cao,
Đã không muốn thấy ta vào chốn đây,
Vì ta chưa thuận luật Ngài,
Luật Ngài thống lĩnh cõi trời Cao Xanh. 120
Đế đô vời vợi ngai vàng,
Phúc thay những kẻ Ngài ban tuyển vào. "
Hướng về Thầy tôi thỉnh cầu :
-" Hỡi Thi hào hãy nói câu giúp giùm,
Đấng Thượng Đế tôi chưa quen,
Cầu mong được thoát ngục hình nguy nan.
Dẫn tôi đến cõi Thiên Đàng,
Cho tôi thấy cánh cửa thần Thạch Ông.
Đừng để tôi khổ vô vàn ".
Nhà thơ cất bước, tôi chân theo người. 130
Chú thích :
Nửa đường đời : Dante hình dung đường đời như một vòng cung, điểm cao nhất 35 tuổi. Sinh năm 1265 đến năm 1300 viết Thần Khúc tưởng tượng cuộc du hành xuống Địa Ngục.
Rừng tối : Nghĩa bóng là sự lầm lạc về đạo lý và tinh thần,
Điều hay : hiểu được điều họa phúc, và ý nghĩa cuộc đời nhân thế.
Chân phải : quan niệm cổ xem chân trái vụng về hơn chân phải.
Con báo : tượng trưng cho thói dâm đãng.
Mùa Xuân : Thời Trung Cổ tin Chúa tao lập thế gian và khởi đầu mùa xuân.
Con sư tử : tượng trưng sự kiêu căng.
Con sói cái : tượng trưng cho tính hà tiện, bủn xỉn. Ba con thú : Báo, Sư Tử và Sói cái tượng trưng cho ba tội ác trong địa ngục của Thần Khúc. Tính buông thả tà dâm, hung ác và gian lận.
Xin hãy thương tôi : Dante dùng tiếng La Tinh để nói với bóng ma : Miserere di me.
Virgilo Marone Publio, tên La Tinh Publius Virgilius Maro sinh năm 70 trước CN tại Mantova, mất ở Brindisi năm 19 trước Công nguyên. Nhà thơ La Tinh tác giả thiên anh hùng ca Énéide. Kể chuyện Énée, người sống sót sau trận chiến thành Troie, dẫn dân chúng sang Ý lập thành phố Roma.
Mantova(Man Tô Va) ở đông nam khu Lombardia (Lâm Bác Đa), bắc nước Ý,thủ phủ là thành phố Milanno.
Giulio Cesare (Roma 100 - 44 tr CN). Lúc Virgilio sinh thì Césare 31 tuổi.
Augusto (Âu Quốc). Hoàng Đế La Mã (63 tr CN - 14 tr CN) cháu ngoại Césare(Sê Da), có công lập trật tự vương quyền sau một thế kỷ nội chiến. Hào quang củ thời đại này phản ảnh trong tác phẩm của hai nhà thơ La Tinh nổi tiếng Virgilo (70 - 19 tr CN) và Orazio (65 - 8 tr CN)
Người con hiếu thảo Anchise(An Chi): tức Énéa(Ê Na), thủ lĩnh Troie thành Ilion(Ý Long), anh dũng chống người Hy Lạp, sau khi Troie thất thủ Énéa chạy sang lãnh địa La Mã .
Virgilo, Virgile(Việt Sinh, Việt Sinh Thi): Ở thời Trung đại được tôn sùng như một nhân vật huyền thoại, một hiền triuết, một tiên tri. Đối với Dante trong Thần Khúc còn là biểu tượng cho chân lý nơi trần thế.
Cammilla, Eurialo, Turno, Niso (Cam Minh, Ô Ri, Tuấn, Ních): Tên những nhân vật trong tác phẩm của Virgilo . Dante quan niệm sự hy sinh hai phe đều cần thiết cho sự xuất hiện Đế Quốc La Mã.
Chết lần thứ hai: Theo tín điều đạo Ki tô, những người đã phạm tội ở dương gian thì âm hồn sẽ phải chịu tội ở địa ngục, giống như chết một lần thứ hai.
Virgilo báo trước sẽ xuất hiện một anh hồn cao cả tức Béatrice(Bích Chi) sẽ xuất hiện dần đường cho Dante đi tiếp lên thăm cõi Thiên Đường.
Virgilio: Vì không qua phép rửa tội đạo Ki Tô nên không đặt chân lên Thiên Đường.
Thánh Pierre (Thạch Ông), môn đệ chúa Jésus, thành Đức Giáo Hoàng thứ nhất, bị chết đóng đinh ngược đầu, giữ chìa khóa mở cửa Thiên Đường.
Paris 16-11-2013
Phạm Trọng Chánh
Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét