Hình ảnh

Hình ảnh

15 tháng 6, 2015

Balzac và tác phẩm Eugénie Grandet

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1.1 Tác giả
Honoré de Balzac (5/1799-8/1850), ông sinh ra trong một gia đình công chức ở thành phố Tours. Balzac sống trong thời kì giằng xé quyết liệt và lâu dài giữa hai giai cấp cầm đầu xã hội nước Pháp thời ấy: tư sản và quý tộc. Năm 1814 ông theo cha đi Paris, vừa học luật vừa học thêm các lớp văn học, triết học ở trường đại học Sorbone. Năm hai mươi tuổi Balzac bắt đầu sáng tác, ông quyết định từ bỏ con đường luật và theo hẳn con đường văn chương. Năm 1829, Balzac thành công cho ra đời tiểu thuyết Những người Chouans, đó là kết quả của quá trình vươn lên trong cuộc sống nghèo khổ và cảm thông sâu sắc với những con người nghèo khổ. Năm 1842, Balzac tập hợp toàn bộ tác phẩm của mình lấy tên là Tấn trò đời. Năm 1850, ông kết hôn với nữ bá tước Hanska, lúc trở về Paris ông ốm nặng và qua đời ngày 21/8/1850.
Tác phẩm tiêu biểu: Những người Chouans (1829), Gobseck (1830), Miếng da lừa (1831), Luy Lămbe (1832), Eugénie Grandet (1833)…

1.2 Tóm tắt tác phẩm Eugénie Grandet của Balzac
       Lão Grandet sống ở thị trấn Xômuya, ông ta làm nghề đóng thùng, lão lợi dụng cách mạng, dùng mọi chiêu trò đầu cơ tích trữ mà ngày càng trở nên giàu có nhất vùng. Nhưng lão rất keo kiệt, độc đoán và tàn nhẫn, lão đày đọa vợ con sống cảnh thiếu thốn và bóc lột người ở là bà Nanông. Lão có một cô con gái duy nhất là nàng Eugénie, nàng xinh đẹp và rất nhân hậu. Hai dòng họ lớn nhất vùng là GruysoĐe Graxanh, ganh đua và xu nịnh Grandet để lão gả con gái và được kết giao với dòng họ giàu có. Họ Cruysô nắm trọng trách quan trọng ở vùng như cha sứ, chánh án, quản lí văn khố, còn dòng họ Đê Graxanh thì làm chủ ngân hàng.
Charles Grandet con người em ruột của lão Grandet ở Paris. Bố Charles là một nhà tư sản giàu có bị vỡ nợ rồi tự tử, sau đó ông ta đã gửi Charles cho ông em của mình chính là lão Grandet. Eugénie đem lòng yêu say đắm cậu em họ và có bao nhiêu tiền vàng để dành liền đem tặng cho người yêu làm vốn kinh doanh. Charles cảm động, trao cho nàng cái hộp đầy kỉ niệm của mẹ chàng và những lời thề thốt đầy hứa hẹn. Charles hứa sẽ trở về sau khi lấy lại danh dự cho cha và dòng họ. Lão Grandet biết chuyện thì hành hạ vợ cho đến chết và giam lỏng đứa con gái của mình. Một thời gian sau Charles trở nên giàu có, hắn quên hết tình cảm ngày xưa, hắn trả lại tiền cho Eugénie xem như là đổi lấy bảy năm chờ đợi của nàng.
Cuối cùng lão Grandet chết bên cạnh đống vàng nhưng lão ta vẫn không quên dặn con gái gìn giữ tài sản của mình để khi chết đi thì báo lại với lão ở thế giới bên kia.

CHƯƠNG 2: GIỚI THUYẾT VỀ CHỦ NGHĨA HIỆN VÀ SỰ PHẢN ÁNH CỦA NÓ TRONG VĂN HỌC

2.1 Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực Pháp thế kỉ XIX
Người đầu tiên vận dụng thuật ngữ Chủ ngữ hiện thực và văn học và hội họa là Jules Francois Husson, bút danh Champfleury (1821-1889). Cùng với Louis Edmond Duranty (1833-1880) cũng là một nhà tiểu thuyết và phê bình nghệ thuật, Champfleury lập ra tạp chí Chủ nghĩa hiện thực, tồn tại được một thời gian ngắn. Trong tiểu luận Chủ nghĩa hiện thực (1857), Champfleury cố gắng đem lại cho trào lưu này một cơ sở lý luận và một kích thước thế giới, bên cạnh Stendhal, Balzac, còn có Dickens, Thackeray. Ngay từ những năm 1823-1825, trong Racine và Shakespeare, Stendhal đã đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực, khi đề xướng một nền nghệ thuật gần gụi với đời sống của người đương thời, không lệ thuộc vào những khuôn mẫu thẩm mỹ xa rời các vấn đề của thời đại.
Chủ nghĩa hiện thực hình thành trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa lãng mạn, đồng thời tiếp thu những thành tựu của nó. Lúc mới ra đời, chủ nghĩa hiện thực chưa tách khỏi chủ nghĩa lãng mạn. Mặc dù chủ nghĩa hiện thựcchủ nghĩa lãng mạn khác biệt, song không hề mâu thuẫn mà liên quan mật thiết, bổ sung cho nhau. Văn học hiện thực và văn học lãng mạn có nhiều điểm chung: bối cảnh lịch sử, cơ sở tâm lý, những tìm tòi mĩ học. Điều khác biệt ở hai chào lưu là ở chỗ cùng bất bình với thực tại, nhưng các nhà hiện thực không quay lưng với thực tại, thoát ly nó trong sự tìm tòi và thể hiện lý tưởng như các nhà lãng mạn, mà hướng về chính thực tại ấy, tìm cách thể hiện đúng như nó tồn tại.
Khác với nhân vật lãng mạn, nhân vật hiện thực không vượt lên môi trường, mà chịu sự chi phối của môi trường. Tính cách của họ hình thành, chuyển biến, phù hợp với sự biến chuyển của thực tế khách quan. Thế giới nội tâm mà các nhà lãng mạn đã phơi bày, phân tích tinh vi được tiếp tục khai thác, thể hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với bên ngoài.
2.2. Đặc trưng của phản ánh nghệ thuật trong chủ nghĩa hiện thực.
Đặc trưng phản ánh nghệ thuật là phương thức phản ánh và lý giả đời sống theo cách riêng của nghệ thuật. Có thể nói đến những phương diện biểu hiện của nó như: đối tượng phản ánh, kiểu tư duy, nội dung và thủ pháp phản ánh, con đường tác động, cách thức tồn tại trong quá trình tiếp nhận… Phản ánh chân thực cuộc sống và mong muốn hiện thực của người nghệ sĩ thông qua hình tượng nghệ thuật, văn học đã từ đối tượng miêu tả và hình thức chiếm lĩnh đời sống để đem đến cho người đọc, trao truyền cho họ những xúc động thẩm mĩ mãnh liệt.
Với t­ư duy hệ thống và mô hình, ng­ười ta càng tiến đến xác định một cách nhất quán hệ thống tiêu chí bao gồm những yếu tố làm nên tổ chức bên trong của phương pháp sáng tác. Từ chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực là sự thay đổi của một quá trình. Đó là sự chuyển giao của một hệ thống hoàn chỉnh hữu cơ những nguyên tắc tư­ tư­ởng nghệ thuật đư­ợc xác định bởi một thế giới quan nhất định trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định, dùng để phản ánh cuộc sống bằng hình tư­ợng. Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt thì mô hình là: “hình thức diễn đạt hết sức gọn theo một ngôn ngữ nào đó các đặc trưng chủ yếu của một đối tư­ợng, để nghiên cứu đối tư­ợng ấy”. Mô hình nghệ thuật chính là những yếu tố, đặc trư­ng bản chất nhất, thiết cốt nhất để cơ cấu nên nghệ thuật. Mô hình phản ánh nghệ thuật tư­ơng hợp với đặc trư­ng phản ánh nghệ thuật của từng giai đoạn, từng tác giả. Chủ nghĩa hiện thực với những đặc điểm của riêng nó đã bộc lộ mô hình, đặc trư­ng nghệ thuật một cách sống động và “hiện thực” nhất.
Theo Lại Nguyên Ân, thì Chủ nghĩa hiện thực là “nguyên tắc sáng tác mà cơ sở của nó là các tính cách và hoàn cảnh trong tác phẩm nghệ thuật được cắt nghĩa ở bình diện xã hội - lịch sử, sự liên hệ theo quy luật nhân quả giữa chúng, được khám phá trong sự phát triển về chất nhờ việc điển hình hoá các sự kiện tồn tại, tức là tương ứng với thực tại nguyên khởi…”. Khác với chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn th­ường chỉ bị chi phối một vài nguồn ý thức t­ư t­ưởng, chủ nghĩa hiện thực có tham vọng phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, cho nên nó phải khơi nguồn ở nhiều phư­ơng diện khác nhau và cuối cùng thư­ờng kết tinh lại thành một nguyên tắc nhất định.
Quy luật văn học phản ánh hiện thực theo hình thức trọn vẹn và trực tiếp của cuộc sống, là sự mô phỏng thực tại khách quan đ­ược coi là quy luật nghệ thuật tự trị từ thời Aristote: Có thể nhìn nhận rằng những sáng tác của các nhà hiện thực chủ nghĩa ở Châu Âu nửa sau thế kỷ XIX là sự phát triển đến đỉnh cao của quan điểm nghệ thuật này. Tìm hiểu đặc trư­ng phản ánh của chủ nghĩa hiện thực để thấy đư­ợc tính truyền thống và sự quy phạm hoá của cơ sở nhận thức quan niệm về phản ánh nghệ thuật thời kỳ này.
Khác biệt và tạo sự cách tân với chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực đặc biệt chú ý tới sự khách quan hoá trong thể hiện nghệ thuật. Đây là bư­ớc tiến lớn so với trừu tư­ợng hoá và lý tư­ởng hoá hình tượng nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn. Quan niệm để chính cuộc sống, chính thực tại khách quan phát biểu ý nghĩa tự thân, qua hình tư­ợng nghệ thuật đ­ược bao phủ cả cái đư­ợc phản ánh và cái phản ánh, trong chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX.
Trong bình diện cái đư­ợc phản ánh, chủ nghĩa hiện thực quan tâm và đề cao hơn cả là những cảnh huống, hiện t­ượng chân xác của thực tại khách quan. ở đây các nhà chủ nghĩa hiện thực luôn luôn chú ý tới việc nhấn mạnh sự tồn tại độc lập của khách thể miêu tả. Đó cũng là đối tư­ợng trung tâm của chủ nghĩa hiện thực. Nhấn mạnh sự tồn tại độc lập của khách thể miêu tả nghĩa là luôn để bản thân cuộc sống đ­ược phơi bày một cách trực tiếp và tự nhiên như­ nó vốn có. Ở đây là cuộc sống, là thực tại khách quan sống động, đang phập phồng và cựa quậy trong cuộc đời, trong thế giới chứ không phải là sự tồn hiện trong ý niệm, trong lý t­ưởng nh­ư các tiền chủ nghĩa khác. Coi cuộc sống chính là khách thể cần phải tôn trọng là mục đích sáng tác của hầu hết các văn hào trong giai đoạn này. Stendhal luôn cho rằng phải phát huy đến cao độ kiểu sáng tác tái hiện và ông coi nghệ thuật phải như “một tấm gư­ơng xê dịch trên con đư­ờng lớn”. Văn học sẽ phản ánh trung thực và chân xác nhất mọi biến thái tinh vi và vận động của thực tại khách quan. Sự linh hoạt trong sáng tạo của nghệ thuật như­ng luôn có giới hạn trong chu trình của hiện thực, của cuộc sống. Đó là quan điểm và mục đích, phư­ơng châm sáng tác của người đặt nền móng cho sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX.
Để thể hiện đối t­ượng của khách quan, thể hiện cái đ­ược phản ánh thì cái phản ánh của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX cũng có những phư­ơng thức, phương tiện t­ương thích. Toàn bộ những nguyên tắc thẩm mĩ và những đặc tính loại hình  của chủ nghĩa hiện thực đ­ược bộc lộ trong sự phát triển của văn học thế kỷ XIX. Và lúc này tiêu chuẩn chủ đạo của tính nghệ thuật chính là sự trung thành với thực tại. Vì vậy ph­ương thức đầu tiên mà ngư­ời ta phải nhắc đến của chủ nghĩa hiện thực để nhấn mạnh sự tồn tại độc lập của khách thể miêu tả đó chính là sự phản ánh hiện thực theo các hình thức của đối tư­ợng. “Sự miêu tả không còn mang tính ư­ớc lệ trừu t­ượng, phóng đại, nó đạt đến một mức độ mới của tính sống động, khiến ngư­ời ta có thể nói về các nhân vật văn học như­ về những con ngư­ời sống thực. Dạng phát triển nhất là h­ướng tới tính xác thực trực tiếp của sự miêu tả, tái tạo đời sống trong hình thức của bản thân đời sống". Và lúc này sự miêu tả đã phá vỡ tính ư­ớc lệ, phúng dụ… để vẹn nguyên trở về với sự thật trần trụi của cuộc sống. Các nhà văn hiện thực luôn đặt con ngư­ời trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể rồi triển khai sự phát triển tính cách của nó theo sự diễn biến của hoàn cảnh đó. Đây cũng là quá trình đúc kết sơ bộ trên bình diện lý luận ở các nhà văn và các nhà mĩ học thế kỷ XIX. Vì vậy, xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình là quy tắc đầu tiên của hệ thống thẩm mĩ quy ư­ớc trong phư­ơng thức sáng tác nói trên. Đây cũng chính là nét đặc thù, sáng lạ của chủ nghĩa hiện thực so với chủ nghĩa lãng mạn và cổ điển. Trong chủ nghĩa hiện thực, cá nhân tự nó là đối tư­ợng trực tiếp của sự miêu tả; cái khái quát, cái điển hình toát ra từ tính cách của con người cụ thể. Cá tính cao độ của nhân vật sẽ làm cho nó trở nên sống động và gợi cảm hơn. Vậy là bản chất sự vật cũng như­ của con ngư­ời có nhiều tầng bậc và đều đ­ược khái quát vào văn học nghệ thuật qua việc điển hình hoá. Sự điển hình hoá nhân vật chịu sự chi phối và có mối liên hệ hữu cơ với hoàn cảnh điển hình. Tính cách điển hình  trở nên phong phú và đa dạng bởi vì nó chính là con đẻ của hoàn cảnh điển hình.
Bên cạnh những ph­ương thức khách quan hoá hiện thực trên, chủ nghĩa hiện thực còn thể hiện sự miêu tả với sự tôn trọng hiện thực khách quan một cách tối đa. Nghĩa là nhà văn để cho tự nhân vật, cảnh huống... tự do thống ngự và phơi bày đặc điểm, ý nghĩa của chúng trong tác phẩm. Không hề có sự bộc lộ trực tiếp hay chủ động giáo huấn của tác giả. Tuy nhiên nh­ư thế vai trò của chủ thể sáng tạo không đồng nghĩa với việc bị hạ giá. Bởi vì khách quan tuyệt đối là thứ không thể đòi hỏi mà khi lựa chọn một lối viết, nhà văn đã đặt dấu ấn chủ quan lên tác phẩm của mình.
Tất cả những nguyên tắc sáng tác, những đặc trư­ng phản ánh nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX đã tạo thành hệ quy ­ước giá trị thẩm mĩ vững bền và sâu sắc. Không ít ngư­ời đã xem nó như­ một mô hình lý tư­ởng trong sáng tác cũng nh­ư trong tiếp nhận văn học trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực không hề thụ động, rập khuôn trong những mô hình khuôn mẫu ấy mà họ luôn quan tâm tới sự sáng tạo trong phản ánh. Vì vậy, họ vẫn sử dụng các biện pháp cư­ờng điệu, ẩn dụ hay những yếu tố kỳ ảo…trong các tác phẩm của mình. Vì thế giá trị thẩm mĩ của văn học thời kỳ này vẫn luôn hấp dẫn, t­ươi mới.
Theo dòng chảy của lịch sử, chủ nghĩa hiện thực có vận mệnh phản ánh nghệ thuật một cách đặc thù. Từ quan niệm phản ánh hiện thực giống như­ thật trong những luận điểm khởi nguyên, chủ nghĩa hiện thực đã có nhiều thay đổi, cách tân trong việc biểu đạt chính nó. Đó cũng chính là quy luật tất yếu của sự vận động t­ư duy nghệ thuật và điều ấy cũng chứng tỏ năng lực sáng tạo kỳ diệu của ng­ười nghệ sỹ trong phạm vi nguyên liệu vô cùng vô tận của cuộc sống.

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH HÓA TRONG

Chương 3: Phương thức xây dựng nhân vật điển hình hóa trong Engenie Grandet của H. Balzac.
3.1. Điển hình hóa nhân vật là gì ?
Theo nghĩa rộng, là tổng hòa mọi biện pháp nghệ thuật nhằm làm cho hình tượng trở thành điển hình, là con đường đưa sáng tạo nghệ thuật đạt tới chất lượng cao.
Điển hình hóa luôn luôn gắn với quá trình khái quát hóa và cá thể hóa nhằm làm cho hình tượng vừa khái quát được những nét quan trọng nhất, bản chất của đời sống, lại có được hình thức cụ thể, cảm tính của cá thể, độc đáo, không lặp lại. Với ý nghĩa ấy, điển hình hóa là khái niệm chung, chỉ một đặc trưng tiêu biểu của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mỗi thời đại lịch sử, mỗi trào lưu, trường phái văn học, mỗi phương pháp sáng tác thường có những nguyên tắc điển hình riêng. Do đó, trong thực tế nghiên cứu người ta thường nói tới các hình thức điển hình hóa cụ thể  khác nhau như: điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa, điển hình hóa lãng mạn chủ nghĩa, hay điển hình hóa trong cổ tích, trong tiểu thuyết, trong kí.
Trong nghĩa hẹp, điển hình hóa là hình thức khái quát hóa đặc trưng của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, hình thành trên cơ sở quan sát tính lặp đi lặp lại tương đối ổn định của các hiện tượng, tính cách và quá trình cuộc sống cùng loại trong thực tế. Các nhà lí luận và các nhà văn lớn của chủ nghĩa hiện thực thường sử dụng thuật ngữ điển hình hóa với ý nghĩa này. L.Tônxtôi nói: “Cần phải quan sát nhiều người cùng loại để sáng tác một điển hình nhất định”. Ở đây, điển hình hóa gắn liền với cá thể hóa nhằm tạo ra những hình tượng có khả năng thể hiện sinh động và nổi bật những nét quan trọng và bản chất của đời sống.
Song song với việc phát hiện và biểu hiện của thuộc tính điển hình, nhà văn hiện thực luôn luôn tôn trọng tính nhân quả lịch sử của các sự kiện và quá trình, tôn trọng qui luật phát triển tự thân của các tính cách, các số phận và quan hệ khác nhau nhiều màu vẻ giữa tính cách và hoàn cảnh. Vì vậy, quá trình điển hình hóa bao gồm sự điển hình hóa. Các chi tiết, tình tiết, tính cách, số phận và hoàn cảnh. Hình thức khái quát này hình thành trên cơ sở tôn trọng tính khách quan và tính qui luật của đối tượng nên đảm bảo tính cụ thể - lịch sử trong sự khái quát. Tuy nhiên điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực cũng không  loại trừ những chi tiết ly kì, thậm chí bề ngoài có vẻ phi lí, nhưng lại nêu bật được bản chất của sự vật. Điển hình hóa nghệ thuật là hình thức khái quát hóa cao nất trong hình thức khái quát. Phải có vốn sống phong phú, tư tư tưởng, tình cảm lớn, tài nghệ cao cường, nhà văn mới tiến hành điển hình hóa thành công được.
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình hóa trong Eugénie Grandet của Balzac.
3.2.1. Balzac dựa vào hoàn cảnh xã hội cụ thể để xây dựng nhân vật điển hình.
Balzac là một nhà văn có tầm tư tưởng lớn, ông dùng ngòi bút của mình vừa để phân tích một cách sâu sắc về hiện thực xã hội Pháp đương thời vừa miêu tả tinh vi tâm lí nhân vật trong thế giới nhân vật của ông. Tự nhận mình “người thư ký trung thành của thời đại” vì vậy Balzac đã để cho nhân vật của mình được thể hiện với tất cả tính đa dạng, phong phú của đời sống nội tâm. Cảm xúc, suy nghĩ, cách xử sự của nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách xã hội của họ. Điểm nổi bật trong bút pháp nghệ thuật của Balzac là đã xây dựng được nhân vật điển hình, tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Về bản chất, điển hình là một cá tính xác định, độc đáo riêng biệt khác nhau, có ở nhân vật này mà không có ở nhân vật khác, nói như V. Biêlinxki thì điển hình chính là “người lạ quen biết”. Để khắc họa được những nhân vật điển hình, Balzac đã đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật dựa vào nghiên cứu thực tại khách quan, chọn lựa chi tiết chân thực, đồng thời tác giả tôn trọng lịch sử thời đại đặt để nhân vật của mình phát triển cá tính một cách tự nhiên hết sức sinh động trong hoàn cảnh đó.
Tiểu thuyết “Eugénie Grandet” xoay quanh cuộc đời và số phận ba nhân vật: lão Grandet giàu có keo kiệt, cô gái  thánh thiện Eugénie và tên bạc tình đáng nguyền rủa - Charles. Là một nhà văn hiện thực, Balzac đã khắc họa từng nhân vật một tiêu biểu cho một bộ phận người nào đó trong xã hội tư sản lúc bấy giờ. Khi miêu tả Grandet, Balzac đã lột trần từng mảng đen tối của bản chất giai cấp tư sản Pháp khi nó đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển. Với Grandet, tác giả đã sử dụng giọng điệu lạnh lùng và khách quan để nói đến việc làm giàu và ham mê tiền bạc của lão ta. Xây dựng những điển hình, Balzac luôn đặt trong sự t­ương ứng và phù hợp với hoàn cảnh điển hình. Balzac luôn tìm kiếm những nguyên nhân chính làm cho con người bị tha hóa, bị những dục vọng đê hèn chiếm giữ. Bằng những vốn sống, kinh nghiệm từng trải của một nhà văn hiện thực, Balaz đã đi sâu mổ xẻ quá trình tích lũy của cải một cách ghê rợn của lão Grandet, đi lên từ nghèo khó, xuất phát điểm của Grandet chỉ là một bác phó thùng nhưng lão ta đã giàu lên một cách nhanh chóng nhờ những mưu mô, tính toán khôn ngoan của mình biết lợi dụng cơ hội để làm đồng tiền sinh sôi nảy nở. Cuộc cách mạng tư sản Pháp đã mang lại thay đổi lớn cho cuộc sống con người bấy giờ, với những tiến bộ của nó đã xóa bỏ mọi đặc quyền của giai cấp phong kiến, trao quyền tự do bình đẳng cho công dân. Chính trong môi trường thuận lợi ấy đã tạo bàn đạp tốt để những kẻ như Grandet có cơ hội làm giàu. Grandet xuất thân chỉ là một người đóng thùng, nhờ xã hội thay đổi và vận may, lão đã đứng vào hàng ngũ của giai cấp tư sản, quá trình tích lũy tư bản của lão có được nhờ vào sự vận động phát triển của thời cuộc, quá trình làm giàu của Grandet gắn chặt với thực tế nước Pháp sau cuộc cách mạng tư sản 1789.
Quá trình thực hiện tham vọng của nhân vật này đư­ợc tác giả tập trung khắc hoạ sâu hơn so với các nhân vật khác. Bản chất của chủ nghĩa tư bản là đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu và với chủ trương tự do cạnh tranh nên người ta không từ thủ đoạn nào, sẵn sàng giẫm đạp lên đồng loại để đạt mục đích cá nhân của mình. “Có tiền mới có hạnh phúc, không thì là bánh vẽ”. Với sức mạnh của mình, đồng tiền đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội với sức tàn phá khủng khiếp.
Balzac khi xây dựng nhân vật điển hình cũng đồng thời xây dựng luôn những cá tính điển hình, nó phù hợp với hoàn cảnh điển hình với sự chuyển biến của thực tế khách quan. Về bản chất cá tính điển hình được xác định một cách độc đáo riêng biệt khác nhau, có ở nhân vật này mà không có ở nhân vật khác. Từ chỗ xuất thân cơ hàn, trải qua quá trình tích lũy, làm giàu, một khi có được tiền vàng của cải thì trong suy nghĩ của Grandet là làm sao cho những món hoa lợi ấy ngày càng sinh sôi nảy nở hơn nữa vì thế lão đã tính toán mọi cách, cố gom góp tiền vàng vào mình nhiều hơn. Cũng chính sức hấp dẫn lóng lánh từ những đồng tiền vàng mang lại mà trong con người Grandet đã sinh ra những toan tính ích kỷ, nhỏ nhen đến ti tiện, biến lão thành một kẻ keo kiệt khủng khiếp.
Không đơn thuần là một người có tính keo kiệt bình thường, Grandet đã biến mình thành kẻ vừa keo kiệt vừa lọc lõi, ranh mãnh trong mọi việc, hắn luôn phải suy nghĩ tìm cách để hạn chế đến mức thấp nhất việc phải tiêu tiền. Trong sinh hoạt gia đình, lão ta ban phát cho vợ con từng mẩu đường nhỏ, phân phát cả kim chỉ, hay cả sự thắp sáng lão cũng tính toán…Còn ngoài xã hội, Grandet cũng không có bạn bè nhiều, không đến nhà ai chơi, không giúp đỡ ai việc gì mà phải tốn đến tiền. Tuy nhiên, Grandet rất khôn ngoan, lão đã che đậy tính ích kỷ với mọi người xung quanh bằng lối sống giản dị trong sinh hoạt hằng ngày. Đến đây, ta có thể thấy được sự tinh tế trong việc miêu tả cá tính điển hình nhân vật của Balzac, ông đã khái quát được tính cách một con người như Grandet - sống hai mặt, bề ngoài là sự giản dị đáng khen tặng, là lòng tốt có sự tính toán nhưng vẫn làm người khác ấm lòng song thực chất bên trong lại là một con người ranh mãnh với bản tính keo kiệt như kiểu sợi tóc chẻ tư. Grandet là một điển hình sống động của giai cấp tư sản Pháp thế kỷ XIX.
Khi xây dựng cá tính của nhân vật điển hình, Balzac đã đặt để cho nhân vật của mình vào mọi mối quan hệ, bị ràng buộc vào nhiều yếu tố khách quan của cuộc sống để nhân vật của mình bộc lộ tính cách một cách chân thực nhất, rõ nét đến từng chi tiết. Bên cạnh việc xây dựng tính cách keo bẩn, Balzac còn làm rõ sở thích hám của, si mê những đồng tiền vàng đến mức tôn thờ nó của Grandet. Khi lão thấy vàng lập tức mắt ông cũng lấp lánh ánh sắc của đồng tiền vàng và đối với lão đồng tiền cũng sống, cũng nhốn nháo như con người: nó đi, nó lại, nó đổ mồ hôi, nó sinh sôi nảy nở.
Điều mà Balzac muốn nêu bật lên qua hình tượng Grandet là lòng hám vàng đã giết chết ở lão những tình cảm thân thiết nhất. Ngập chìm trong đống tiền vàng của mình, Grandet đã quên đi tất cả những người thân yêu bên cạnh mình, với vợ ông ta chỉ xem như một nguồn vốn hời mà ông có được, còn với con gái có lúc lão coi như kẻ thù, nó sẽ lột da, giết, ăn thịt lão bằng việc thừa hưởng tài sản của mẹ nó. Còn cái chết bất hạnh của em trai mình thì lão lại dửng dưng và lạnh lùng xem như đó là cái chết tất yếu của một kẻ ngu xuẩn. Chi tiết Ông ta viết con tính lên tờ báo đăng tin người em chết, bên tai, tiếng than vãn của người cháu nghe rất rõ ràng, tuy ông không chú ý cho thấy bản chất thoái hóa nhân cách trong con người Grandet trở nên ghê tởm đáng khinh bỉ. Chính khối tài sản kếch xù ấy đã biến Grandet thành đầy tớ chịu sự chi phối hoàn toàn và nghiễm nhiên Grandet đã tự biến mình trở thành nô lệ của nó. Với quyền lực vạn năng của mình, đồng tiền đã điều khiển trí tuệ và tình cảm của tên đầy tớ trung thành ấy.
Khác với tính cách keo kiệt, hám vàng của Grandet, nhân vật Charles được Balzac xây dựng tính cách điển hình theo kiểu sự chuyển biến tính cách nhân vật phù hợp với sự biến chuyển của thực tế khách quan. Charles – con người chạy theo tiền tài, danh vọng. Từ chàng công tử Paris xinh đẹp, phong nhã, sống trong sự bảo bọc của gia đình, chưa từng phải suy nghĩ đến tiền bạc bỗng một ngày người cha giàu có của anh tìm đến cái chết, mọi thứ xung quanh anh trở thành con số không, không tiền bạc, nhà cửa, không tình thương… Chính sự ra đi của cha, lúc bấy giờ đã đánh động vào ý niệm sâu xa của Charles, vực dậy khát vọng làm giàu trong lòng chàng cậu ấm ngày nào một cách đột ngột mãnh liệt. Với suy nghĩ sẽ tìm cách trả hết nợ cho cha, Charles đã đi sang Ấn Độ, lao vào những năm tháng miệt mài kinh doanh, ở miền đất hứa ấy, đã nhào nặn một Charles thành một con người hoàn toàn khác hẳn với tính cách trước kia. Charles đã kiên quyết làm giàu bất chấp thủ đoạn, hắn giống như những người vội vã sống cho xong cảnh đê hèn. Gã đã chạy theo lối suy nghĩ sẽ xây dựng cơ đồ một cách rực rỡ và chóng vánh, vì thế công việc làm ăn đều được xuất phát từ mục đích ấy. Hắn ta lại giống như ông bác của mình, giờ đây chỉ có tiền và dục vọng là lẽ sống. Charles – đại diện tiêu biểu cho một dạng người của chủ nghĩa tư bản. Nếu Grandet là một tên tư sản nông thôn, thì Charles lại là hiện thân của một tên tư bản hàng hóa thành thị. Con đường kiếm tiến của anh ta mang tính thương mại hơn Grandet với những cách buôn hàng hóa đặc biệt như buôn ng­ười và tổ yến, cho vay nặng lãi…
Giữa GrandetCharles rõ ràng đã có sự kế thừa, Balzac đã chứng tỏ được cái nhìn tinh vi của mình trong sự chuyển động của thế giới tư bản. Từ thế hệ cha ông, đại diện là Grandet với quy mô kiếm tiền là để tích lũy, nhưng Grandet có tính toán khôn khéo thế nào cũng chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm lợi nhuận từ những việc kinh doanh hàng hóa bình thường quanh quẩn bên mấy gốc nho và những ly rượu vang mà thôi; đến thế hệ sau mà không ai khác hơn ngoài ông cháu của mình, Charles đã thừa hưởng sẵn tính chất tư bản từ cha và bác mình, nhưng Charles lại có kiểu kinh doanh mới hơn đó là buôn bán người, một loại hàng hóa mới đã được sản sinh khi mà mô hình kinh doanh của giới tư bản đã bước thêm một bước mới nữa. Balzac đã thẳng tay ném nhân vật của mình vào vòng xoay của con tạo, trong cái thế giới dục vọng ấy, ông đã để nhân vật tự mình phát triển tính cách hoàn toàn tự nhiên đúng như bản chất vốn có.
Quá trình cá tính hóa của Charles còn được Balzac miêu tả ở góc nhìn khác nữa, không chỉ đại diện cho lớp người tư sản mới, trẻ tuổi, con đường làm giàu của anh ta không còn bó hẹp trong phạm vi tiền bạc mà càng về sau, Charles đã cho ta thấy sự đam mê địa vị còn lớn hơn sức mạnh của đồng tiền. Charles quan niệm sự giàu có phải đi đôi với danh vọng. Và vì thế thay vì mê vàng như ông bác, Charles lại mong muốn có được sự tiến thân, muốn được bước chân vào tầng lớp quý tộc. Chính vì tham vọng điên cuồng ấy, hắn ta đã lấy vợ, một người hắn không yêu nhưng cô ta sẽ cho hắn một tước hiệu, địa vị mà ở Eugénie không có được.
Nhân vật Grandet, Charles là những con người đại diện, minh chứng sống động nhất trên con đường làm giàu của giới tư bản rất phong phú trên mọi lĩnh vực song song đó là quá trình tha hóa bản chất trong mỗi con người mà chất xúc tác lại chính là sức mạnh của đồng tiền, nó đã hủy diệt nhân cách con người thật mạnh mẽ. Balzac đã hoàn thành sứ mệnh người thư ký trung thành của thời đại, bằng ngòi bút lạnh lùng, khách quan của một nhà văn hiện thực, ông đã miêu tả bản chất thật của xã hội đương thời, vạch ra từng chi tiết cụ thể gắn với tính cách điển hình trong nhân vật điển hình để làm nổi bật con đường phát triển làm giàu của giới tư bản. Có thể thông qua hai nhân vật điển hình là GrandetCharles, độc giả nhìn thấy được bức tranh xã hội hiện thực Pháp thế kỉ XIX.
Đối lập với tính cách của Grandet, Charles, Balzac đã làm nổi bật lên hình ảnh người phụ nữ đó là một Eugénie trong sáng, ngây thơ, thủy chung với tình yêu. Nhân vật Eugénie được tác giả ưu ái nhất tuy nhiên đây cũng là nhân vật đáng thương nhất, Balzac đã để cho Eugénie sinh ra trong một gia đình có một người cha hám tiền và keo kiệt, tuy nhiên bằng tâm hồn thuần khiết của mình, cô đã lớn lên trong sự giản dị đáng thương, phục tùng và biết nghe lời.
Khi xây dựng nhân vật Eugénie, Balzac đã để tính cách của nhân vật phát triển cùng với sự thức tỉnh của tình yêu, trong nàng bắt đầu có nhận xét và phản ứng kể từ khi Charles xuất hiện ở nhà nàng. Tình yêu của Eugénie với người em họ xuất phát từ trái tim chân thành, kể cả việc đưa cả túi vàng cho Charles cũng hoàn toàn tự nguyện. Với nhân vật này, ta thấy không có sự chi phối của đồng tiền. Cá tính của nhân vật Eugénie còn thể hiện ở thái độ “bình tĩnh” khi lấy lại đĩa đường, “gan góc” đưa nho mời cha và Charles đến việc tặng vàng, bảo vệ kỷ vật của người yêu, sự chống đối của nàng quyết liệt dần. Đương đầu với Grandet trong vụ túi vàng, nàng “lạnh lùng” trước sự tra hỏi, “thản nhiên” khi bị quát mắng, và “kiêu hãnh” chịu phạt giam. Điều đó khiến lão già Grandet phát khùng mà thừa nhận “gan lì hơn cả cha”. Dù xót thương và yêu mến Eugénie vô hạn nhưng Balzac vẫn lạnh lùng chỉ ra sự thật đáng buồn. “Tối tối cái sân chầu của Eugenie vẫn đủ mặt bá quan” như hệt bảy năm về trước, với Eugénie thì việc “được tôn nữ hoàng dần dà làm nàng quen đi”, cái thói quen làm con người tê liệt. Sau những tháng năm chờ đợi những gì còn lại với cô là cảnh đổ vỡ hoàn toàn và ghê gớm. Eugenie mất cả niềm tin tưởng, nàng nói với kẻ cầu hôn mình “Thưa ông chánh án, tôi biết ông lấy tôi vì cái gì”.
Một người thánh thiện như Eugenie quả là hiếm hoi trong xã hội tư bản, nhưng xã hội ấy có để yên cho những con người hiền lành ấy không, hay nó buộc Eugenie trở thành người đồng lõa với nó. Dẫu rất thương nhân vật nhưng Balzac đành lạnh lùng chứng kiến nhân vật của mình đi vào ngõ cụt.
Eugénie trong sáng trở thành vật hy sinh cho quá trình tha hóa của đồng tiền, số phận đau buồn của nàng là sự hy sinh cho túi tiền của GrandetCharles. Eugéne cô đơn giữa những vòng vây, những âm mưu, những toan tính tham lam và tàn nhẫn của giai cấp tư sản, đây không phải là trường hợp bất thường mà là cảnh muôn đời diễn ra trong khắp xã hội tư sản. Thế nên “cái quả tim cao quý chỉ đập vì tình thương yêu lại mắc vào vòng tính toán danh lợi của người đời, tiền bạc đã truyền hơi lạnh qua con người ấy và làm cho một người đàn bà hoàn toàn tình cảm đâm ra nghi ngờ các thứ tình cảm”.
Dựa vào hoàn cảnh xã hội cụ thể (nước Pháp thế kỷ XIX), Balzac đã xây dựng nên những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Grandet, Charles nổi bật với quá trình làm giàu bất chấp thủ đoạn của giới tư sản... Đồng hành với những mưu mô tính toán làm giàu nhân vật của Balzac còn bộc lộ cá tính riêng của mình, tính keo kiệt, gia trưởng, hám tiền của Grandet; thói tiêu tiền hoang phí, đam mê địa vị, bạc tình của Charles; Một tiểu thư Eugénie ngây thơ, trong sáng và thánh thiện nhưng cuối cùng vẫn không vượt thoát được gọng kìm của số phận...Với quan niệm nghệ thuật phải gắn bó mật thiết với thế giới hiện thực, Balzac đã dùng ngòi bút sắc xảo len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn của con người để nói lên được cái tinh vi của cá tính cũng như nêu lên được những nét đặc trưng nhất về bản chất bộc lộ thông qua thực tế xã hội từ đó Balzac tạo nên những nhân vật điển hình gắn với cá tính điển hình.
3.2.2. Balzac dựa vào nguyên tắc lịch sử - cụ thể.
Yếu tố để cấu thành một nhân vật điển hình chưa dừng lại ở việc dựa vào hoàn cảnh cụ thể của xã hội, còn cần phải dựa vào nguyên tắc lịch sử - cụ thể. Đây được xem như tiền đề cơ sở để xây dựng tích cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình
Với cái nhìn nghiêm túc và chuẩn xác, lịch sử trong con mắt của Balzac được diễn tả sống động hơn. Có thể hiểu lịch sử trong tiểu thuyết của ông là lịch sử cụ thể xã hội, có sự vận động và diễn tiến theo thời gian nói như vậy thì trong tác phẩm Eugénie Grandet lịch sử được tác giả đưa vào đó chính là xã hội Pháp ba mươi năm đầu của thế kỷ XIX. Balzac đã xây dựng được bối cảnh cụ thể cho tác phẩm, trong hoàn cảnh đó nhà văn đặt để nhân vật vào, cho nhân vật tự cọ xát, tự phát triển tính cách của mình một cách toàn diện nhất. Sự tự phát triển tính cách của nhân vật sẽ được gắn liền với sự tiếp diễn của thời gian và lịch sử.
Khi nhắc đến lịch sử trong tiểu thuyết nhiều người sẽ lầm tưởng đó là những con số, bảng số liệu khô khan...không có sức hấp dẫn. Nhưng trái lại, khi đọc tác phẩm Eugénie Grandet của Balzac thì khác, ông đã vận dụng linh hoạt những yếu tố lịch sử vào trong đấy, cuốn tiểu thuyết đã mở ra cho độc giả những năm tháng lịch sử của xã hội Pháp thời kỳ giai cấp tư sản đang thắng thế, đang trên đà phát triển. Cùng với đó là những con số của ngày tháng,  những tính toán ghi chép chi tiết trong việc làm giàu của Grandet hay Charles...Hoặc cũng là lịch sử nhưng không có con số cụ thể tuy vậy Balzac vẫn khái quát được những hoàn cảnh của những cá nhân trong tác phẩm.
Đọc tác phẩm, bạn đọc sẽ thấy được cả một không gian, thời gian, sinh họat trong cuộc sống thường nhật của xã hội Pháp đương thời, từ cuộc sống giàu có của tầng lớp quý tộc đến nếp sống được gọi là giản dị quá mức của bác phó thùng. Trước mắt độc giả hiện lên một thị trấn Xômuya với ngôi nhà mang dáng dấp ủ dột [...] Ở đấy có những ngôi nhà trải qua ba thế kỷ vẫn còn đứng vững mặc dù là nhà gỗ, nhà nào cũng có vẻ riêng của nhà ấy. Balzac đã miêu tả khoảng không gian được cho là sang trọng trong căn nhà của Grandet: “tựa tư­ờng, ở khoảng cách giữa hai cửa sổ, một cái bàn chơi bài cũ kỹ, mặt bàn bằng đá, khảm theo hình bàn cờ. Trên bàn một cái phong vũ biểu hình bầu dục viền đen […] hai cửa sổ đều treo màn lục điều tơ sợi, dệt ở Tua”. Chỉ thông qua đoạn văn ngắn đấy thôi, người đọc đã phần nào thấy được nếp sống của đa phần người dân Pháp bấy giờ.
Theo quan niệm của Balzac thì ngoài khả năng viết văn, ngôn từ điêu luyện và trí tưởng tượng thì nhà văn hiện thực còn cần phải trang bị một khối kiến thức sâu sắc, tỉ mỉ về những sự kiện xảy ra trong quá khứ, những đặc điểm và những phong tục của người dân để có cứ liệu lịch sử mang đến cho văn học bức tranh xã hội đủ màu sắc, nơi khi người đọc thông qua đó mường tượng ra được một xã hội cụ thể sinh động và luôn luôn trong trạng thái chuyển động.
Trong tác phẩm của ông, nổi bật trên nguyên tắc lịch sử cụ thể đó là sự chi tiết hoá, cụ thể hoá thời gian. Tính chính xác và cụ thể của sự kiện được Balzac sao chép lại nguyên vẹn, nhà văn kê khai tài sản của lão Grandet chỉ với của nổi người ngoài nhìn vào thì: “Ông trồng một trăm mẫu nho, những năm được mùa thì có thể cất bảy tám trăm thùng rượu vang. Ông có mười ba trang ấp, một nhà tu cũ, [...] rồi một trăm hai mươi bảy mẫu cỏ trên ấy sởn sơ ba nghìn gốc bạch dương trồng từ năm 1793. Và cuối cùng, ngôi nhà hiện ông ta ở cũng là sở hữu của ông”. Những yếu tố cụ thể và những con số chỉ đơn vị cả về thời gian lẫn vật chất được Balzac ghi lại một cách tỉ mỉ, tạo nên được hiểu quả nghệ thuật cao, đem đến sự chân xác đến từng chi tiết. Balzac đã để người đọc đồng hành cùng với mình, lúc này người đọc cùng sống lại giây phút lịch sử cùng thời ấy. Có thể thấy nguyên tắc lịch sử cụ thể đã in dấu rõ nét trên từng trang văn của Balzac.
Văn học hiện thực được xây dựng trên sự thống nhất về tính chân thực của điển hình và của những chi tiết. Balzac đã từng nêu lên quan điểm của mình “tiểu thuyết sẽ không là gì cả […] nếu nó không chân thật trong chi tiết”. Sự chân thực của các chi tiết giúp tô đậm cho nhân vật tạo nên nhân vật điển hình. Nhà văn đã dùng những chi tiết một cách chân thực nhất để miêu tả thổi vào nhân vật cái thần thái thông qua chi tiết. Hình ảnh của vị phu nhân Grandet giàu có, xư­ơng xẩu, dật dờ đầy an phận và cả đời ốm yếu, nhu như­ợc đư­ợc miêu tả trong hệ những chi tiết “Grandet là một ng­ười đàn bà khô đét và gầy guộc, vàng nh­ư quả thị, vụng về, chậm chạp, bà thuộc loại phụ nữ trời sinh ra để chịu áp bức. X­ương cốt to, mũi to, trán to, mắt to, mới trông bà hao hao giống những  quả cây xốp”.
Trong vô vàn chi tiết lớn nhỏ, thật khó xác định đâu là những chi tiết đắt nhất, có tính chất cốt lõi nhất, tạo được độ căng cho tác phẩm nhiều nhất...Vì thế Balzac đã phải chăm chỉ quan sát nghiền ngẫm, nhặt nhặn và chọn ra được những chi tiết đắt giá nhất có tính khái quát cao nhất. Với lão Grandet, thì chi tiết điển hình nhất chỉ hành động lúc lão lâm chung, giây phút chuẩn bị lìa xa cuộc đời, Grandet đã biểu hiện trọn vẹn tính ham mê vàng tột cùng của mình “Khi cha xứ đến rửa tôi cho ông, cặp mắt ông đã chết lờ đờ từ lâu bỗng nhiên sáng lên khi nhìn thấy cây thánh giá, đôi đèn, lọ nước thánh bằng bạc. Ông nhìn chằm chặp những thứ ấy và chóp mũi ông động đậy lần cuối. Khi ông cố đạo đưa cây thánh giá mạ vàng kề môi ông để ông hôn hình Đức Chúa Giesu thì ông vùng lên một cách khủng khiếp để chụp lấy cây thánh giá”.
Miêu tả nhân vật Eugénie, những chi tiết của Balzac còn len lỏi vào sâu tận những cung bậc, biến thái rung động tinh vi của cô thiếu nữ khi mới bước vào yêu. Khi họ ngây ngất, đắm say đón nhận thứ mật ngọt lịm của tình đầu đang rư­ới lên tâm hồn thánh thiện của mình. “Trong cuộc đời trong trắng và tẻ nhạt của các cô thiếu nữ, bỗng xảy đến cái giờ phút kỳ diệu mà cõi lòng bừng đón ánh sáng mặt trời và tiếp nhận nỗi niềm tỉ tê của hoa lá. Lúc ấy sự sống dạt dào và nóng hổi từ con tim phập phồng dâng lên trí óc và làm mọi ý nghĩ hòa tan thành một niềm khát khao mơ hồ. Cái giờ phút ấy là giờ phút bâng khuâng vô tội và thích thú trâm trầm: khi đứa trẻ bắt đầu nhìn thấy sự vật thì nó mỉm cười như hồi thơ ấu. Nếu ánh sáng là tình yêu thứ nhất trong đời người, thì tình yêu không phải là ánh sáng trong lòng người sao?”
Như vậy, từ việc xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, cho đến đề cao sự chân thực trong chi tiết và sự chi phối của nguyên tắc lịch sử - cụ thể đã giúp Balzac xây dựng nên nhân vật điển hình cho tác phẩm của mình một cách hoàn hảo nhất.







KẾT LUẬN

Tự nhận mình là thư kí của thời đại, Balzac đã đứng ra kể lại một cách chân thực khách quan về những gì ông mắt thấy tai nghe. Trước thời đại đảo điên vì sức mạnh của kim tiền ông buộc phải đánh vào nó những lời phán xét chua cay, những câu mỉa mai trào phúng.
Bước đầu nghiên cứu tác phẩm của Balzac, cụ thể ở đây là tiểu thuyết Eugénie Grandet, nhóm chúng tôi đã phần nào khái quát được cách thức xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình của Balzac. Tác giả dựa vào hoàn cảnh xã hội cụ thể cộng với nguyên tắc tôn trọng lịch sử khách quan, sự chân thật trong từng chi tiết để xây dựng nên những nguyên mẫu điển hình. Đến đây chúng ta đã có một vài ý niệm về nền văn học Pháp thế kỉ XIX. Đây là một thế kỉ chứng kiến và thể hiện sự phát triển của đồng tiền tư bản. Những đồng tiền tư bản có mặt trái ghê gớm của nó. Nó có thể đảo lộn nhân cách và số phận con người. Bởi thế văn học hiện thực là tiếng nói lên án, phản ánh những họat động phi nhân tính, mất đạo đức, những thế lực chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người. Balzac đã dùng ngòi bút của mình thể hiện một cách sâu sắc nhất về hiện thực cuộc sống, tìm ra được quy luật và những quá trình xã hội vận động theo sự phát triển của lịch sử. Bằng những kinh nghiệm sống cùng khả năng lao động sáng tạo không ngừng  đã làm nên thành công cho tài năng Balzac. Với Eugénie Grandet, Balzac đã hoàn thành vai trò của “người thư kí trung thành” của thời đại.




TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Tiến Dũng (2003), Lý luận văn học phần tác phẩm văn học, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Trần Thị Bảo Giang - Nguyễn Hữu Hiếu, Khái lược lịch sử văn học phương Tây thế kỷ XVII-XIX, Khoa ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt.
3. Đặng Anh Đào (2004), Ô.Đơ Banzăc và một thế giới đang bước đi, NXB Trẻ - Hội nghiên cứu & giảng dạy văn học TPHCM.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét