Hình ảnh

Hình ảnh

5 tháng 4, 2014

ITALIA NHỮNG NGỌN GIÓ ĐẦU TIÊN - NHÀ THƠ DANTE


Nguồn: http://giangnamlangtu.wordpress.com/2011/07/13/van-h%E1%BB%8Dc-ph%C6%B0%C6%A1ng-tay-1/

ITALIA NHỮNG NGỌN GIÓ ĐẦU TIÊN 
  QUÊ HƯƠNG CỦA VĂN NGHỆ
 PHỤC HƯNG

  Là vùng Bắc Ý nơi có các đô thị lớn như Venise, Jaine, Milan, Florence. Nơi đây kinh tế trù phú phát triển mạnh mẽ. Dân đô thị ngày càng có ý thức về vai trò địa vị của mình. Tinh thần hoạt động làm giàu trở nên đức tính tốt. Họ đòi hỏi được tự do phát triển mọi khả năng và thỏa mãn mọi ham muốn. Luồng tư tưởng mới mẻ chống ý thức hệ phong kiến và nhà thờ đã khơi nguồn cho trào lưu nhân văn chủ nghĩa tuôn chảy.

Nhà thơ Dante
Vinh quang mở đầu phong trào văn nghệ Phục Hưng Ý thuộc về nhà thơ Dante – nhà thơ cuối cùng thời Trung cổ và thi sĩ đầu tiên của Phục Hưng. Tuy còn ảnh hưởng thế giới quan nhà thờ thần bí nhưng tác phẩm của ông đã ánh lên cảm quan mới của thời đại
Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Thần khúc” (nguyên văn là Divinascomedia) viết bằng tiếng Ý, 100 khúc với 14 226 câu thơ. Gồm bốn phần: Khúc mở đầu / Địa ngục /  Luyện ngục /  Thiên đường. Tóm tắt cốt truyện như sau:
Nhân vật Dante khi đã sống được nửa đời người một hôm ông lạc bước vào khu rừng rậm ( chỉ tình trạng tội lỗi của người đời ) . Ba con thú dữ xông tới cản đường ( báo , sư tử và chó sói : ba thói xấu kiêu căng , ghen tỵ và keo kiệt ) . May sao từ trên thiên đường , nàng Beatrice vốn là người yêu đã quá cố của Dante đã gọi nhà thơ Virgile – người mà Dante suy tôn bậc thầy – đến cứu Dantethoát ra .

Virgile dẫn Dante đi tham quan Địa Ngục, cảnh tượng âm u rùng rợn chín tầng. Vạc dầu sôi, lửa cháy ngun ngút,  tội nhân bị gặm đầu, ngụp lặn trong bể máu. Đủ mọi loại người ở trần gian chưa được rửa tội. Có một cặp tội nhân được nhà thơ thông cảm xót xa – họ là chị dâu em chồng yêu nhau vụng trộm . Những kẻ phản bội tổ quốc rước giặc về giày xéo quê hương thì ông nguyền rủa, trong đó có cả Giáo hoàng Boniphace VIII. Tiếp đó Virgile dẫn Dante đi thăm Luyện Ngục gồm  7 bậc, nơi đây yên tĩnh giúp người ăn năn hối cải, tẩy rửa lỗi lầm. Họ là danh nhân văn nghệ sĩ triết gia anh hùng quá khứ là những người có công với tổ quốc, loài người. Họ sắp rời khỏi đây lên thiên đường cực lạc chan hòa ánh sáng .

 Nhưng khi qua khỏi Luyện Ngục, Virgile từ giã Dante vì ông là người dị giáo không lên được thiên đường. Nàng Beatrice lại xuất hiện trong ánh hào quang rực rỡ màu áo đỏ tươi  tấm khăn trắng trên đầu buông xuống cùng những cành nguyệt quế. nàng nhắc lại tình xưa nghĩa cũ , trách móc Virgile nặng nề nhưng thật đáng yêu:
“Một thời tôi đã lấy dung nhan nâng đỡ cho chàng
đôi mắt tơ xuân tôi để chàng ngắm
và tôi dắt chàng cùng tôi thẳng tiến
buồn thay vừa bước chân vào tuổi trưởng thành
tôi bỏ cuộc đời sang cõi trường sinh
chàng quên tôi, buông mình vào tay kẻ khác
Trả lời đi, nói đi cho mọi người biết
Chàng vô cùng đáng trách”
Dante cũng không nén nổi xúc động :
            “Tình yêu ơi , em cứ thì thầm trong trái tim ta”
Sau đó Beatrice đưa nhà thơ Dante lên cõi thiên đường, ông chiêm ngưỡng ngây ngất hình ảnh  Chúa Cứu Thế, lòng trào dâng niềm tin tưởng.

Đằng sau những quan niệm tôn giáo thần bí về ba thế giới (Địa ngục, Luyện ngục, Thiên đường) vốn là bút pháp tượng trưng, ẩn dụ quen thuộc thời trung cổ, chúng ta nhìn thấy hiện thực với nhiều ý nghĩa và quan niệm mới mẻ về tình yêu, báo hiệu mùa xuân thi ca mới. Đó là niềm tin vào  con người có trí thông minh và lòng dũng cảm. Dante say sưa ca ngợi anh hùng cổ đại Odyssee bôn ba đi tìm những bến bờ xa lạ. Ca ngợi những triết gi , nghệ sĩ Hi Lạp đem lại bao hiểu biết và xúc cảm cho loài người .
Hình tượng Virgile tượng trưng cho lí trí thì nàng Beatrice tượng trưng chotình yêu và cái đẹp. Cuộc hành trình của nhà thơ Dante được dẫn dắt bởi hai nguồn tinh hoa ấy . Nhà thơ đi tới đâu ? Đến với hình ảnh Chúa Cứu Thế tượng trưng cho Chân -Thiện – Mỹ chứ chẳng phải đấng siêu hình nào.
Chẳng phải ngẫu nhiên nàng Beatrice có mặt từ đầu đến cuối cuộc đời nhà thơ. Ngay ở thiên đường nàng vẫn tiếc thương mối tình trần thế. Nàng là ân sủng tình yêu mãi mãi dành cho nhà thơ. Nhà triết học cổ điển Đức Hegel đã nhận xét thật đúng: “Dante nhờ tình yêu của Beatrice mà trở thành bất tử. Tình yêu được hoán cải biến thành tình yêu mới có tính tôn giáo không dục vọng” (Mĩ học – Hegel) .
Nhà thơ Dante đã đóng vai trò quan tòa khi ông đưa kẻ này xuống địa ngục, người khác lên thiên đàng theo chuẩn mực mới của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét