Hình ảnh

Hình ảnh

25 tháng 11, 2013

NỐT NHẠC TÂM TÌNH TRONG “ĐỢI CHỜ” CỦA LÊ HÀ THĂNG


 ĐỢI CHỜ


Khi những mùa hoa bay ngát hương

Từng đàn bướm mộng nhỡn nhơ cùng

Gió thu vừa chóm mang se lạnh

Em có nghe lòng thêm nhớ nhung.


Có kịp về theo buổi nắng tràn

Trên đường ríu rít tiếng chim ngân

Hồn anh treo hết lên vai phố    

Đợi bước em qua rũ xuống mừng.


Anh vẫn mong chờ vẫn ngóng tin

Bao mùa hoa điệp rụng bên thềm

Tiếng ve ngày ấy bay đâu mất

Mà xác ve còn mấy cánh nghiêng.


Em cứ ỡm ờ cứ lặng thinh

Cứ đưa mắt liếc tưởng như tình

Anh như con kiến leo cành cụt

Leo đến bên nào cũng thấy chênh.


 Lê Hà Thăng


Đọc tập thơ “trong vô biên tìm về” của tác giả Lê Hà Thăng đã mở ra cho tôi một chân trời mới, chân trời của những dòng cảm xúc ngan ngát hương bay, dòng cảm xúc của một tâm hồn biết cảm, biết yêu thương của một tâm hồn thi sĩ. Từng lời thơ da diết đi thẳng vào lòng người, mỗi vần thơ ngân vang như điệu nhạc da diết gọi mời, da diết thương yêu.


Tôi say sưa chìm vào điệu nhạc của những vần thơ có khi trầm bổng ngân vang:

“Cám ơn hò hẹn xa xưa

Cho mình đi suốt những mùa yêu thương

Cám ơn trời đất vô thường

Mỗi mai thức dậy vẫn còn có nhau.”

(Cám ơn)

Có khi nhẹ nhàng đầy xao xuyến, đôi lúc lại mang nét đượm buồn suy tư:

“Tôi về ngồi với sông trăng

Ngậm ngùi bến cũ đã ngăn cách rồi

Cũng từ đêm ấy sông trôi

Ngây thơ cùng với tình tôi xa mờ.”

(Sông xưa)

Là thế đấy, cung bậc cảm xúc của nhà thơ cứ hiện lên trong từng ý thơ. Lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng miên man. Tôi đặc biệt yêu thích bài thơ “Đợi chờ” trong tập thơ ấy.

Với tôi, đó là một bài thơ rất hay vì ở đó tôi như tìm thấy được sự đồng cảm, như tìm thấy sợi dây vô hình gắn kết tôi vào từng vần thơ bác viết. Thế rồi tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần để hóa thân vào từng con chữ mang nhiều nét đẹp cuốn hút người đọc vô cùng.

Ở khổ thơ đầu, tác giả vẽ ra trước mắt ta khung cảnh của mùa thu dịu dàng, trong trẻo đầy quyến rũ với những cánh hoa bay nhẹ nhàng trong làn gió sương thu mờ ảo, vương cỏ vương cây…

“Khi những mùa hoa bay ngát hương

Từng đàn bướm mộng nhỡn nhơ cùng

Gió thu vừa chóm mang se lạnh          

Em có nghe lòng thêm nhớ nhung’’

Lời thơ da diết trong veo đến diệu kỳ, mùa thu – mùa lãng mạn nhất trong năm được vẽ ra trước mắt người đọc với bao cảnh sắc dịu nhẹ, miên man :

‘‘Khi những mùa hoa bay ngát hương

Từng đàn bướm mộng nhỡn nhơ cùng’’

Ở đây, bằng ngòi bút tài hoa của mình, tác giả mở ra cho chúng ta một chân trời thu mới có hương hoa ngào ngạt một góc trời, có đàn bướm mộng đang đùa vui. Cảnh sắc thật bình yên trong trẻo quá ! Đọc hai câu thơ ấy, ta thấy men tình yêu đang ngập tràn sắc nắng. ‘‘Mùa hoa bay ngát hương’’ hay là mùa hương của tình yêu đang âm vang dội lên trong lồng ngực nhà thơ ‘‘từng đàn bướm mộng nhỡn nhơ cùng’’ ? Đọc hai câu thơ ấy, tôi không hiểu vì sao nhưng dường như tôi nghe được mùi thơm dịu mát của ‘‘mùa hoa’’ đang bay. Khi đọc tới đây, có lẽ ai cũng sẽ nhắm mắt lại, mường tượng về khung trời trong trẻo để hít một hơi cho căng tràn lồng ngực mới thôi.

Bằng nghệ thuật dùng từ rất tài hoa của mình, Lê Hà Thăng đã đưa chúng ta vào một chân trời mới với hai từ ‘‘vừa chóm’’ trong câu thơ ‘‘gió thu vừa chóm mang se lạnh’’ thì tôi nghĩ đó vẫn là một câu thơ rất hay và đã mang một nét nghĩa hoàn toàn mới cho khổ thơ.

Tôi lại nhớ tới khổ thơ của chính tác giả trong bài thơ “Mùa hoa bỏ lại” rằng:

“Hình như thu sớm về theo gió

Những cánh chuồn kim chấp chới ngày

Ai ngóng chờ ai câu giã biệt

Mà đóa hoa sầu rụng cánh bay”

Trong màn sương mờ giăng trong cái thời khắc giao mùa giữa hai mùa hạ và thu nhưng còn điều gì đó vẫn chưa chắc chắn, thì ở đây, Chu Ngọc Hạnh lại khằng định mùa thu đã về, rất thật, rất gần gũi như tác giả nhìn thấy được, cảm nhận được. Hai từ ‘‘vừa chóm’’ ấy, thiết nghĩ chỉ dành riêng cho những chồi xanh vừa mới ươm hạt nảy mầm hay những nụ hoa vừa mới hé mở nhưng bằng sự liên tưởng độc đáo của mình, tác giả đã đưa vào câu thơ hai từ ấy thôi cũng đủ làm cho bài thơ giàu sức gợi biết nhường nào.

‘‘Gió thu vừa chóm mang se lạnh

Em có nghe lòng thêm nhớ nhung’’

Vâng ! Cái gió nhẹ nhàng của mùa thu vừa đủ ‘‘se lạnh’’ để tác giả thêm bồi hồi nhớ nhung, nỗi nhớ nhẹ nhàng như gió mùa thu đang lan tỏa khắp cả lòng.

Khổ thơ thứ hai đã cuốn hút tôi vào đó, từng lời thơ cứ mang nét đẹp tươi tắn, rạng ngời :

‘‘Có kịp về theo buổi nắng tràn

Trên đường ríu rít tiếng chim ngân

Hồn anh treo hết lên vai phố    

Đợi bước em qua rũ xuống mừng.’’

Đọc câu thơ đầu tiên của khổ thơ đầu, tôi lại nhớ da diết bài thơ ‘‘Đây thôn Vĩ Dạ’’ của Hàn Mặc Tử bởi ở đó có hai câu thơ rằng :

‘‘Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở em về kịp tối nay ?’’

Vâng ! Câu thơ của Hàn cứ ám ảnh tôi mãi. Từ thời còn bé xíu tôi đã được tiếp xúc với thơ của Hàn qua các bài học của chị tôi. Có lẽ từ dạo ấy, tôi yêu thơ Hàn tự lúc nào không hay. 

Vẫn là câu hỏi với hai từ ‘‘Có kịp’’ nhưng ở Hàn là nét đẹp của dòng sông quê bên mảnh trăng ngà, còn ở Lê Hà Thăng thì đó là nét đẹp của ‘‘buổi nắng tràn’’  là nét đẹp tươi mới, nét đẹp của sự hy vọng chờ mong. Cả hai tác giả đều dùng ngôn từ lãng mạn để chờ ‘‘em’’ thế nhưng ở hai khung cảnh đợi chờ khác nhau, với Hàn đó là sự đợi chờ của nỗi buồn, suy tư và thầm lặng ; còn ở Chu Ngọc Hạnh thì đó là sự đợi chờ của hy vọng, của ngày mới nắng lên, của niềm tươi vui khỏe khoắn rạng ngời…

‘‘Có kịp về theo buổi nắng tràn

Trên đường ríu rít tiếng chim ngân’’

Hai câu thơ lan toả niềm tươi mới cho toàn bài thơ. Lại một lần nữa ta thấy được nét đặc sắc của việc dùng từ trong thơ của tác giả  ‘‘buổi nắng tràn’’. Tôi thắc mắc không biết tại sao lại gọi là ‘‘nắng tràn’’ thì liệu nhà thơ có ẩn ý gì không. Thế là tôi đọc mãi, đọc mãi khổ thơ đó và cũng hiểu ra được một phần  rằng tác giả dùng hai từ ‘‘nắng tràn’’ là để chỉ ánh nắng rộng khắp cả không gian, ánh nắng trong lòng tác giả, ánh nắng rực rỡ của tâm hồn đang yêu và tha thiết chờ mong. Vâng ! Một tâm hồn đang yêu, đang say trong tình yêu thì nhìn đời luôn bằng đôi mắt màu hồng, nhìn tất cả đều đẹp và trong sáng tràn ngập thương yêu. Điều đó được thể hiện qua câu thơ ‘‘trên đường ríu rít tiếng chim ngân’’ , chính câu thơ thứ nhất ở trên đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho câu thơ thứ hai này. Một tâm hồn đang say trong men tình dịu ngọt và đằm thắm là thế phải chăng. ?

Hai câu thơ tiếp trong khổ thơ ấy khi đọc lên đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều bởi nó rất hay, rất đặc biệt rằng :

‘‘Hồn anh treo hết lên vai phố

Đợi bước em qua rũ xuống mừng’’

Tôi đọc đi đọc lại khá nhiều lần và phải bấm điện thoại gọi ngay tới tác giả để hỏi về hai câu ấy. Với chất giọng trầm ấm và từ tốn của một nhà thơ, tôi có cuộc trò chuyện thân mật với bác. Bác bảo rằng ‘‘mỗi bài thơ đều có hoàn cảnh và cảm xúc riêng để sáng tác’’, còn về phía hai câu thơ ấy thì tôi hỏi rằng liệu đó có phải là một sự nhân hóa giữa nhân vật trữ tình và ‘‘phố’’ hay không thì chỉ nhận được nụ cười của bác mà thôi. Cuộc điện thoại thân mật ấy kết thúc nhưng để lại trong lòng tôi những cảm xúc rất bâng khuâng về hình ảnh ‘‘vai phố’’.

Dường như nơi góc phố nhỏ thân quen đó hằng ngày được thấy dáng ‘‘em’’ nên nhà thơ đã gửi lại ‘‘hồn’’ mình lên ‘‘vai phố’’ chỉ để kịp thấy em qua mà ‘‘rũ xuống mừng’’. Vâng ! Là thế đấy, từ những sự vật vô tri vô giác ấy mà tác giả đã nhân hóa ‘‘phố’’ lên thành một con người có sự chờ mong, có cảm xúc đã để lại trong lòng người đọc biết bao tâm tư.

Hai khổ thơ đầu trong bài thơ  ‘‘Đợi chờ’’ đã nói hết tấm lòng của tác giả, một chàng trai trẻ đang yêu và mơ về một tình yêu nồng nàn, thắm thiết để ngọt đôi môi để lên ngôi cuộc sống. Ấy thế mà :

“Anh vẫn mong chờ vẫn ngóng tin

Bao mùa hoa điệp rụng bên thềm

Tiếng ve ngày ấy bay đâu mất

Mà xác ve còn mấy cánh nghiêng.


Em cứ ỡm ờ cứ lặng thinh

Cứ đưa mắt liếc tưởng như tình

Anh như con kiến leo cành cụt

Leo đến bên nào cũng thấy chênh.”


Hai khổ thơ đầu ta thấy hạnh phúc của nhân vật trữ tình tràn ngập niềm vui bao nhiêu thì hai khổ thơ sau lại lặng buồn bấy nhiêu.

Dù rằng “hồn anh treo hết lên vai phố/ đợi bước em qua rũ xuống mừng” thì ở đây “Anh vẫn mong chờ vẫn ngóng tin”. Nhân vật trữ tình vẫn đợi chờ người yêu, sự chờ đợi không biết mỏi mòn :

“Anh vẫn mong chờ vẫn ngóng tin

Bao mùa hoa điệp rụng bên thềm

Tiếng ve ngày ấy bay đâu mất

Mà xác ve còn mấy cánh nghiêng.”

Tháng năm mùa hoa điệp nở - Tháng năm của những cảm xúc mông mênh, nhẹ nhàng và cũng rất bâng khuâng. Mỗi mùa hoa điệp nở, cảm xúc trong lòng mỗi người là khác nhau, nhưng hình như, ai cũng có chung một dòng xúc cảm về sự bồi hồi nhớ nhung.

Ở đây, nhà thơ đã rất tài tình khi đưa vào chi tiết “mùa hoa điệp rụng” để diễn tả sự chờ mong của chàng trai bởi vì mỗi năm hoa điệp nở và rụng chỉ trong một tháng. Tháng của mùa thu, của những cảm xúc lâng lâng khó tả trong lòng người. 

Vâng ! Là thế đấy, cảm xúc của nhà thơ với mùa thu thật sâu sắc nên mới viết lên những vần thơ đầy xúc cảm ấy. Có lẽ mùa thu đã chiếm qua nhiều trong lòng tác giả rồi phải chăng? Vẫn là một cánh hoa bay, vẫn là nét buồn dịu nhẹ và da diết ấy…

“Em cứ ỡm ờ cứ lặng thinh

Cứ đưa mắt liếc tưởng như tình

Anh như con kiến leo cành cụt

Leo đến bên nào cũng thấy chênh.”

Bốn câu thơ này đã để lại trong tôi cảm xúc rất bâng khuâng. Tác giả so sánh mình như “con kiến” chỉ leo trên “cành cụt” mà không thể leo xa hơn được nữa khi:

 “Em cứ õm ở cứ lặng thinh

Cứ đưa mắt liếc tưởng như tình”

Tình yêu là thế đấy, cả bài thơ, tác giả đã khắc họa một tình yêu rất đẹp, rất dịu dàng. Mỗi sắc hoa bay, mỗi màu nắng đẹp đều là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, là những cảm xúc của tình yêu cứ tuôn trào trong lồng ngực. Mỗi cảm xúc được thể hiện qua từng vần thơ, nét bút làm  biết bao tâm tình sống dậy. Mỗi kỷ niệm được bao bọc trong nỗi nhớ vừa trào dâng, vừa sâu lắng.

Tình yêu mà nhà thơ khắc họa ấy đẹp như một dòng sông, dòng sông êm đềm trong vắt, mặt sông chở đầy những yêu thương đang còn ấp ủ qua việc lựa chọn những ngôn từ rất nhẹ, rất êm và cũng rất duyên. Lời thơ nhẹ nhàng như khúc nhạc của mùa thu trong trẻo, như một nhạc điệu tâm tình triên miên theo nỗi nhớ lan tỏa trong từng con chữ. Có cả sắc màu, hương vị, ký ức và hồn người.

Trần Hoàng Lam
Tp.HCM tháng 10.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét