Hình ảnh

Hình ảnh

28 tháng 3, 2014

BI KỊCH CỔ ĐIỂN PHÁP - J.Racine gương mặt tiêu biểu

Nguồn: http://giangnamlangtu.wordpress.com/2011/07/13/van-h%E1%BB%8Dc-ph%C6%B0%C6%A1ng-tay-1/
 
Racine (1639-1699) và bi kịch Andromaque

Nhà thơ Racine- người kế tục nhưng trước đó là đối thủ số một của Corneill trên sân khấu. Thực sự nổi tiếng ở  nửa sau thế kỉ XVII, Racine làm cho kịch cổ điển đạt tới đỉnh cao hoàn hảo về nghệ thuật  xây dựng mẫu nhân vật và sự phân tích tâm lí tinh tế.
Với Racine, những người phụ nữ và những nhà vua chúa yêu đương  nạn nhân khốn khổ của sự thèm khát chaý bỏng -đã chiếm lĩnh sân khấu, thay thế cho những tâm hồn cao thượng của thời Corneill, đã phản ánh bước ngoặt phức tạp của lịch sử và văn học, tâm trạng chán chường của những tầng lớp tiến bộ nhất của xã hội Pháp những năm cuối triều vua Louis XIV. Racine  sáng tác một cách tự nhiên, tài tình khi phản ánh chân thực hiện thực Pháp trong khuôn khổ tù túng của qui tắc cổ điển chủ nghĩa chính thống. Nhà phê bình văn học Boileau viết cuốn "Nghệ thuật thi ca" (hoặc Nghệ thuật thơ) tổng kết lí luận văn học ưu tú của "đại thế kỉ" chủ yếu dựa vào sự nghiên cứu những vở kịch thơ xuất sắc của Racine.

Nghệ thuật kịch của Racine liên tục đặt ra những vấn đề lí luận mới cho thế kỉ XVII và cả những giai đoạn sau nữa . Có lúc, nhà nghệ sĩ được sùng bái hết mức, lúc khác lại bị coi là thứ đồ cổ trong viện bảo tàng. Nghệ thuật Racine luôn luôn là chỗ dựa cho nhiều trường phái nghệ thuật mới , nhất là các trường phái hiện đại ở Phương Tây . Racine vừa cổ điển lại vừa hiện đại .
Racine- nhà bi kịch của con người hai mặt- sinh ngày 22 tháng 12 năm 1639 tại Ferte Milon trong một gia đình công chức khá giả ... Lên bốn tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, Racine ở với bà nội và cô ruột. Cô đi tu, cậu bé cũng theo vào học luôn ở tu viện Po Royal. Vài năm sau, cậu bé được gửi tới trường trung học Bove để học các khoa học nhân văn . Trở lại Po Royan, Racine tiếp tục thụ giáo những người thầy uyên bác của giáo phái Jeansenis nổi tiếng về sự khắc kỉ đạo đức, bi quan yếm thế về thế giới và nhân sinh. Họ cho anh tiếp xúc với  thi ca của Homer, triết học Platon . . .(cổ Hi Lạp). Nói chung anh được học nhiều về văn hoá cổ Hi-La. Họ cố gắng làm cho Racine cậu học trò trung học rung động với vẻ đẹp của tiếng Pháp. Sự đào tạo có tính chất tôn giáo đạo đức và những kiến thức  theo quan điểm Jeansenis đã đặt cơ sở vững chắc , để lại ảnh hưởng sâu xa trong nhà nghệ sĩ Racine sau này. Những ảnh hưởng đó là: Cảm quan đen tối về cuộc đời . Mầm mống yếu hèn, tội lỗi trong bản chất con người và sự bất lực của nó trước sự xô đẩy của những thế lực thù địch. Những ước mơ thầm kín về tự do, dân chủ và nhân đạo. Nỗi khát khao hướng về cuộc sống vô thần và những thú vui trần tục. Đó là những mâu thuẫn rồi sẽ chi phối cuộc đời và sáng tác văn học của Racine.
Rời khỏi tu viện Po Royal, Racine đi Paris, tiếp xúc với các nhà văn và những người trí thức tiến bộ . Anh bắt đầu làm thơ và say mê sân khấu. Năm 1660, nhân lễ cưới của nhà vua, Racine viết bài thơ "Tiên nữ sông Seine" dâng lên vua, được thưởng 100 đồng livre . Racine thử viết kịch . Lo lắng trước con đường đời của Racine , gia đình tìm cách kéo con ra khỏi cái thế giới văn học nghệ thuật đáng lo ngại. Racine phải đến thị trấn Undex chuẩn bị nhận chức thày dòng .Trong khi chờ đợi , Racine tranh thủ làm thơ . . .
Năm 1663 , Racine trở lại Paris, cho xuất bản hai tập thơ "Đức vua bình phục" và"Vinh quang  của các thi thần". Hai tập thơ được dư luận chú ý , tác giả được mời gặp mặt ở triều đình. Racine kết thân với nhà phê bình Boileau và chuyển hẳn sang viết kịch .Hai vở đầu tay "Người thành Thebes" và "Alexandre đại đế" được biểu diễn  kết quả tốt nhờ đoàn Kịch hoàng gia của Moliere. Sau đó ông chê diễn viên của Moliere , đưa vở kịch kế tiếp  cho đoàn kịch khác diễn. Việc này gây ra mối bất hoà với  vua hài kịch Moliere. Mấy tháng sau, nhận được một bức thư của một thầy học cũ thuộc giáo phái Jeansenic viết :" Nhà văn nhà viết kịch là những kẻ đầu độc, không phải thể xác mà tâm hồn những người sùng tín", Racine nghĩ rằng thầy cũ có ý ám chỉ mình, ông viết thư trả lời gay gắt bênh vực nhà văn nhà thơ và phê phán giáo phái Jeansenis . Từ đó Racine đoạn tuyệt với tu viện Po Royal .
Thắng lợi đầu tiên đem lại niềm tự hào lớn  và khẳng định vững chắc vị trí và tài năng của Racine là vở bi kịch Andromaque được công diễn lần đầu tại triều đình năm 1667. Vở kcih5 tác động mạnh đến công chúng Pháp và chia họ thành hai trận tuyến đối lập. Nó báo hiệu sự xuất hiện một phong cách bi  kịch mới lạ so với bi kịch anh hùng của Corneill giai đoạn trước. . . Sau đó liên tục trong 10 năm Racine cho ra mỗi năm một vở, vừa dần dần chinh phục khán giả vừa đẩy lùi các khuynh hướng đối lập . . . Racine bị phê phán là "kịch mang tính phi đạo đức" từ  những kẻ bất tài đố kị đối lập, thù địch. Ông trở nên nản lòng, ngừng sáng tác và trở lại hoà giải với tu viện Jeansenis. Tuy thế, ông vẫn được vua Louis chọn làm thư kí riêng, rồi làm nhà viết sử của triều đình. Năm 1689 theo yêu cầu của hoàng hậu, ông viết vở kịch dựa theo Kinh Thánh dành cho những nữ sinh của nhà tu Saint Sier tập diễn trong nội bộ. Vở kịch có một phong vị riêng,  dàn đồng ca phụ hoạ, nội dung đề cao lòng nhân ái và sự khoan dung tôn giáo của nhà vua. Sau đó ông viết vở kịch tôn giáo thứ hai Atali" - đây là vở kịch cuối cùng của sự đổi mới lớn lao táo bạo.
Sau Atali, Racine soạn cuốn "Lược sử Po Royal" in đậm tư tưởng giáo phái Jeansenis. Rồi ông nghỉ viết lui về giao thiệp với những người Jeansenis. Lúc này giáo phái không ủng hộ sự độc đoán của nhà nước chuyên chế nên Racine bị vua Louis XIV nghi ngờ, bỏ rơi. Racine chết năm 1699, chôn tại tu viện Po Royal.
Bi kịch của Racine được chia làm 3 giai đoạn trong 30 năm sáng tác .
Giai đoạn 1- hai vở kịch có nguồn gốc văn học cổ Hi Lạp- La mã, chưa hình thành phong cách riêng, chỉ là sự nối tiếp bi kịch anh hùng (kiểu Corneill) hoặc bi kịch phong nhã .
Giai đoạn 2- bước đi mạnh mẽ dứt khoát lộng lẫy hào quang, liền một mạch từ vở  Andromaque đến Federer. Đây là giai đoạn của những vở bi kịch hay nhất. Những nhân vật luôn luôn chất chứa trong lòng nỗi thèm khát cá nhân ghê gớm, thèm khát yêu đương hoặc quyền thế mang tính đen tối, tội lỗi. Nó nung nấu ruột gan con người, thôi thúc người ta tìm cách thoả mãn mau chóng bằng mọi giá. Nó được miêu tả như một định mệnh khắt khe không rõ nguyên nhân nào thôi thúc. Sụ thèm khát đó vấp phải  trở lực cũng mạnh mẽ chẳng kém- đó là Lí trí luôn cố giữ con người theo lẽ phải. Cuộc xung đột âm thầm mà quyết liệt giữa thèm khát tội lỗi và lương tri sáng suốt là xung đột cơ bản trong kịch Racine. Thèm khát  không thoả mãn càng nóng bỏng và chuyên chế. Kết quả là sự thất bại của Lí trí, gây ra kết cục đau thương khủng khiếp của nhân vật chính. Racine mở ra loại thể mới - bi kịch tâm lí .

Bi kịch tâm lí của Racine có giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc. Nó phản ánh thực tế lịch sử sinh động của xã hội Pháp dưới cái nhìn tiến bộ của nhà văn . Sang nửa sau thế kỉ XVII , chế độ quân chủ pháp bước vào thời kì ổn định và thịnh vượng khi các thế lực phong kiến cát cứ địa phương đã tê liệt chịu qui phục triều đình của hoàng đế, họ được phong tước và sống bám lấy triều đình. Quan chức trở thành lũ ăn bám, lượn lờ xu nịnh, cầu cạnh ân huệ bổng lộc, sớm tối lu bù yến tiệc, vũ hội, săn bắn, biểu diễn văn nghệ . . .Họ không bàn chuyện chính trị và lợi ích quốc gia dân tộc. Không dễ dàng gạt bỏ lợi ích cá nhân vì một nghĩa vụ chung . Sống nhàn tản, họ vùi đầu vào những chuyện riêng tư trong phạm vi xã hội thượng lưu. Người ta thích tỏ ra tế nhị, lịch sự, ăn nói có duyên, hiểu tâm lí, chiều chuộng phụ nữ . . . Yêu đương không chỉ là nhu cầu mà còn là thú vui thời thượng. "Con người phong nhã" đã thay thế “con người anh hùng cứu nước” của nửa đầu thế kỉ.
Tình trạng ấy phù hợp cuộc sống xa hoa phù phiếm chốn cung đình nhưng rất xa lạ thậm chí đối nghịch với kì vọng của nhân dân và trí thức về một chế độ quân chủ tập trung có khả năng phát huy hơn nữa "sự vĩ đại Pháp" .
Là một nghệ sĩ cũng là một quan chức nhiều năm gắn bó với triều đình Louis XIV, Racine đã thấy và phản ánh được  cả một tầng lớp xã hội Pháp vào tác phẩm. Những vở kịch tâm lí của Racine đã thoả mãn được cơn khát văn hoá nghệ thuật của thời đại. Càng về cuối thế kỉ XVII, chính quyền Louis XIV càng tha hoá và độc đoán, trở nên thù địch với nhân dân. Quần chúng bất bình, các nhà văn nghệ sĩ cổ điển tiến bộ đã dũng cảm tố cáo nạn chuyên chế đó. Những vở bi kịch của Racine xây dựng đề tài từ những thèm khát uy quyền  địa vị cá nhân . . . đã trở thành vũ khí sắc bén chống cường quyền bạo chúa, phát ngôn lời kết án của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của xã hội, đấu tranh cho tự do dân chủ.
Trong khi phản ánh cuộc sống hiện thực, Racine để lại những dấu ấn riêng của nghệ sĩ. Đó là  tâm hồn nồng nhiệt, dễ bị kích động và những mâu thuẫn bên trong của mình: Sùng đạo nhưng lại say mê vẻ đẹp nhân văn cổ đại Hi Lạp La mã; Ràng buộc với tu viện Po Royal nhưng lại khó dứt ra khỏi cung điện Verseill (cung vua) hoa đăng lộng lẫy; Vừa muốn làm nhà giáo dục đạo đức chính thống vừa náo nức muốn làm người thức dậy tâm hồn quần chúng; Cố tỏ ra làm tròn bổn phận nhưng lại mắc lỗi với vua, với thầy cũ, với bạn và vợ . . .Hình như có hai con người đối lập giành giật chiếm giữ con người Racine: một con người lí trí chịu ảnh hưởng tôn giáo và phong kiến, người kia là con người đầy cảm tính luôn hướng về cuộc sống thực tế đầy hấp dẫn, cám dỗ. Chính tác giả đã có lần tự thú như vậy. Tính bi kịch "con người hai mặt" trong cuộc sống của Racine là yếu tố quan trọng làn nên tính bi kịch trong tác phẩm nghệ thuật của ông.
Có lẽ Racine đã từng nghiền ngẫm cuốn tiểu luận khoa học của Descartes  "Bàn về những thèm khát của tâm hồn". Racine đã đào sâu vào tâm lí con người, chọn những thèm khát cá nhân làm đối tượng miêu tả chính. Nhà triết học đã lôi kéo nhà văn cùng góp phần giải quyết vấn đề có tính thời sự của xã hội Pháp nửa sau thế kỉ XVII.
Trong tác phẩm, Racine không kết tội, đôi khi có vẻ đồng tình với thèm khát. Thật ra , nỗi thèm khát là một hiện tượng tâm lý nếu được dẫn đắt thích hợp thì có thể nâng tâm hồn đến với những công việc vĩ đại (Luận văn của Diderot - thế kỉ Ánh sáng 18). Những nhân vật bi kịch của Racine thất bại đáng kết tội chẳng phải vì họ thèm khát đắm say một con người hay ham mê cái ngai vàng. Theo Racine cái khát vọng ấy vốn là có sẵn trong con người, ở ngoài sự lựa chọn của con người. Đó là thèm khát chống phong kiến để giải phóng bản năng, tự do dân chủ. Nó khát vọng muốn nâng cao con người nhân văn chủ nghĩa Phục Hưng từng một thời được thể hiện ào ạt, nay cần được thể hiện trong phạm vi hẹp và sâu sắc hơn.  Nó chính là nhu cầu của giai cấp tư sản đang tiến lên. Nó đi tìm một sự quân bình mới, sự thăng bằng của lí trí và tình cảm cảm xúc khiến cho cá nhân có thể phát triển cân đối hài hoà . . . Nhìn thấy được những nét lành mạnh quí hiếm trong các tâm hồn tội lỗi, tác phẩm của Racine in dấu một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa chân chính.
Giai đoạn 3 -  không có nhiều tác phẩm như hai giai đoạn trước , nhưng lại là bước ngoặt quan trọng đảo lộn cả cuộc sống và nghệ thuật bi kịch.
GIỚI THIỆU VỞ KỊCH TIÊU BIỂU: ANDROMAQUE

Bối cảnh: thành Troie (Ilion) thời hậu chiến .
Nhân vật:
Andromaque - vợ goá của dũng sĩ hoàng tử Hector (thành Troie thất thủ)
Pyrus - lãnh chúa mới của thành Troie, gốc người Akay, con trai của anh hùng Achill quá cố trong cuộc chinế tranh 10 năm đánh thành Troie ..
Ecmion - công chúa con vua Menelax xứ Hi Lạp (Akay), người yêu của Pyrus
Oreste - tướng Hi Lạp, say mê đeo đuổi Ecmion .
Tóm tắt cốt truyện kịch :
Pyrus đã đính hôn với công chúa Ecmion nhưng khi đến cai quản thành Troie anh lại đem lòng yêu Andromaque vợ goá của dũng sĩ Hector . Andromaque tỏ ra một mực giữ thuỷ chung với chồng và trọng danh dự thành bang, nàng  kiên nhẫn chối từ lời cầu hôn của con trai kẻ thù. Nàng cố không bị nao núng trước sự cầu hôn nồng nhiệt thiết tha của tướng trẻ Pyrus. Trong khi đó , biết tin người yêu đang bỏ rơi  mình, công chúa Ecmion lo lắng bồn chồn . . . Giữa lúc đó, Oreste viên tướng trẻ - người đang theo đuổi  công chúa Ecmion nhận được lệnh nhà vua Menelax đến thành Troie truyền lệnh cho Pyrus phải bắt đứa con trai nhỏ của Hector (tên cậu bé: Astianax) đem về xứ Hi Lạp để trừ hậu hoạ .

Thừa dịp này Pyrus ép nàng Andromaque nhận lời lấy y và hứa sẽ bảo toàn tính mạng đứa con trai. Còn Oreste nhân chuyện này cũng lo tính giành lấy tình yêu của công chúa Ecmion. Nàng Andromaque lo sợ bàng hoàng trước tình thế nan giải . Chịu nhục kết hôn với kẻ thù thì cứu được con trai , chưa có cách nào hơn , nàng đành  ưng thuận lời cầu hôn của Pyrus . Tướng trẻ Pyrus quên hẳn mệnh lệnh của nhà vua , anh ta vui mừng chuẩn bị đám cưới. Còn Ecmion căm hờn vị bị ruồng bỏ, nàng hứa sẽ nhận lời cầu hôn của Oreste và yêu cầu anh ta giết chết Pyrus cho hả giận. Tướng Oreste  cũng  vì say mê nàng công chúa mà liều lĩnh ra tay sát hại Pyrus sau giờ hôn lễ .. . Nàng công chúa Ecmion vẫn còn nặng  tình yêu Pyrus, hối hận , nàng xỉ mắng Oreste rồi tự vẫn bên xác người yêu . Còn Oreste nhực nhã tuyệt vọng phát điên và bị hoàng hậu Andromaque   vừa lên ngôi cai trị thành Troie phát lệnh truy nã, y được đám lính đưa đi chạy trốn biệt xứ .
GỢI Ý PHÂN TÍCH :
Xét về mặt hình thức, Andromaque là nhân vật chính - nhân vật nữ anh hùng chiến thắng  (được nhà thơ đặt tên vở bi kịch). Nàng cố bảo vệ danh dự của chồng và danh dự thành bang công đồng Troie. Nàng ứng biến tuỳ thời để bảo vệ sinh mạng con trai - nó cũng niềm hi vọng của thành bang. Nhưng khi chúng ta xét toàn bộ vở kịch , thực sự nàng chỉ là nhân vật chính giả. Ý đồ nghệ thuật xây dựng nhân vật này để làm điểm tựa cho bối cảnh, mặt khác để nguỵ trang vượt qua kiểm duyệt và mũi nhọn chỉ trích của triều đình. Thực sự những nhân vật còn lại mới là nhân vật bi kịch chính thức.
Hành động kịch của Andromaque bề ngoài có vẻ phức tạp quyết liệt song thực tế vẫn là đơn giản, chưa phải là hành động bi kịch. Tuy nhiên nàng vẫn được coi là hình ảnh người vợ người mẹ đẹp đẽ và cao cả, đáng ngợi ca trên những vần thơ vì tấm gương quên mình…  Nàng khéo léo chối từ kẻ cầu hôn, rồi lại nhẫn nhục đến gặp công chúa Ecmion để cầu xin cho con trai  nhưng vô hiệu quả. Nàng biết khéo léo nhen nhóm hi vọng cho kẻ si tình để kéo dài thời gian ...  Nàng là hình ảnh người vợ, người mẹ lí tưởng biết xử lý hài hoà giữa lí trí và tình cảm.
Pyrus mới thực sự là hình ảnh  đại diện của con người đương thời nửa sau thế kỉ 17. Anh ta luôn luôn bị mối tình si lôi cuốn. Bản chất của anh hiền lành, quảng đại, khiêm nhường có thể trở nên ông vua tốt của xứ sở Troie mới chinh phục. Nhưng vì tuổi trẻ bị cơn thèm khát chiến thắng thúc giục, anh trở nên nóng nảy. Hai tính cách: lãnh chúa thô bạo và anh hùng phong nhã giành nhau trong bản thân Pyrus. Tuy là kẻ anh hùng chiến thắng, vì say mê sắc đẹp của Andromaque đến nỗi anh hạ mình hết mức cầu xin tình yêu của người phụ nữ yếu đuối. Nàng chẳng có gì ngoài sắc đẹp và nỗi khổ đau. Những cuộc đối thoại giữa hai con người thay bậc đổi ngôi: nàng là nữ hoàng còn chàng là kẻ  đầy tớ, thật éo le, dồi dào kịch tính. Say đắm Andromaque, anh ta quên hết lời hẹn ước hôn nhân với công chúa con vua Menelax. Say mê Andromaque, anh khinh rẻ cả đống tro tàn còn âm ỉ cháy ngọn lửa hận thù ở thành Troie. Say mê Andromaque, anh ta dám chống lại cả vương triều tổ quốc Hi Lạp hùng mạnh.Và say đắm Andromaque, anh ta quên cả cảnh giác giữ gìn tính mạng. Tình yêu làm anh ta trở nên hung dữ, đáng sợ càng thèm khát ráo riết hơn. Anh ta dùng mọi thủ đoạn để chinh phục trái tim Andromaque -người vợ goá, không bận tâm vì cái tang chồng của nàng. Và khi nàng chấp thuận lời cầu hôn thì Pyrus lại chứng tỏ là kẻ nam nhi có tình yêu chân chính cao thượng, sẵn sàng từ bỏ tổ quốc Hi Lạp để bảo vệ  đứa con trai của người mình yêu. Đó là những tình huống bi kịch thật sự, không hề giản đơn, một chiều và chưa thấu tâm lí như Andromaque...
Đôi khi nghe lời cận thần can ngăn, thực ra là do nản chí, Pyrus nổi cơn giận dữ với người đẹp và anh dừng bước lại . . . Nhưng rồi không thể quên được nàng, anh tiến tới dứt khoát hơn. Cuộc sống của một đế vương trẻ tràn ngập trong khổ đau dằn vặt với tâm trạng bất an này mới là nội dung chính của vở kịch.
Cái chết của Pyrus mang tính tất yếu, khi hết khổ đau nhân vật này không còn lí do để tồn tại. Nó củng cố nhận xét của ai đó về con người thượng lưu Pháp thế kỉ XVII:"Cảm giác, ngay cả cảm giác khổ đau, là cuộc sống duy nhất đáng mong ước" .
Ecmion là nhân vật sáng tạo của Racine từ nguyên mẫu của truyền thuyết Hi Lạp và kịch cổ của Euripide. Nàng là người có địa vị cao, rất dễ hợm hĩnh, kênh kiệu, tự tin. Nhưng khi thấy mình chông chênh trong  hạnh phúc mong manh trước vị hôn phu dễ thay lòng đổi dạ thì Ecmion chao đảo từ cực này sang cực khác, hoang mang bối rối khủng khiếp , mất hết tự chủ. Nóng vội, nàng đã làm trái với tâm hồn mình và gây tai hoạ không thể cứu vãn. Nàng cũng chỉ là một nạn nhân của bi kịch.
Oreste  là một tính cách ít thành công hơn, chưa đủ gọi là nhân vật bi kịch. Hắn chỉ là con người thiếu tự chủ nhất thời bị cơn thèm khát tình yêu đẩy vào kết cục bi đát nhục nhã. Anh ta chỉ là một nạn nhân đau khổ của định mệnh(ngụ ý: không hiểu nổi việc mình làm, ngu dốt. Khác với Pyrus hiểu rất rõ hậu quả mà vẫn hành động !) .
Vở kịch Andromaque thể hiện rõ nét nhất nghệ thuật bi kịch Racine. Kịch của ông không quá lạ lùng siêu việt phức tạp ngổn ngang mà hấp dẫn khán giả bằng sự miêu tả tinh vi đời sống tình cảm của con người thời đại trong một khuôn khổ hẹp nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét