Thiên nhiên gắn liền với tâm trạng con người trong tác phẩm Tum Tiêu của Bôtum
Mătthê Xôm
(Những nét cơ bản)
Xuyên suốt tác phẩm là một bức tranh thiên nhiên toàn bích của
đất nước Campuchia, thiên nhiên gắn với con người, vui buồn cùng con người và
diễn tả tâm trạng con người một cách rõ nét nhất. Trong tác phẩm, có những gam
màu tươi sáng đó là lúc Tum gặp Tiêu:
“Anh sẽ nhớ suốt đời, giây phút
Hạnh phúc em trao tựa non ngàn”
Nhưng chiếm chủ đạo trong tác phẩm là mảng gam màu tối, gam
màu u buồn của thiên nhiên. Thiên nhiên như người bạn của Tum và Pếch, song
hành đôi lứa, cùng san sẻ buồn vui trong suốt chặng đường từ khi Tum gặp Tiêu,
rồi lại xa cách, đoàn tụ và cuối cùng cả hai đều chết vì tình yêu.
- Cảnh thiên nhiên khi Tum và Tiêu xa cách:
Đó là khi bắt gặp ánh mắt nhìn nhau của đôi trai tài, gái sắc,
họ đã yêu nhau, hướng về nhau. Tiêu tặng Tum chiếc khăn tay làm kỷ vật, mỗi bước
đi là mỗi bước xa Tiêu nên trong Tum có những nỗi buồn sâu lắng, nỗi buồn ấy được
miêu tả qua cảnh thiên nhiên:
“Cây cỏ bụi có nhành hoa bầu bạn
Hương thơm lan quyến rũ bướm ong
Chim có tổ, có đôi, ta chẳng,
Mỗi khúc đường xa, mỗi nhói lòng”
Miêu tả thiên nhiên có bạn có đôi là để chỉ cái cô đơn của
con người, cái cô đơn phải chia cách trong tình yêu mà không sao tả xiếc:
“Đâu tiếng đôi chim cu đối đáp
Chim cũng đi tìm nhau đâu đây”
Hay nhìn thấy đôi chim non quấn quýt yêu thương, cũng gợi
cho Tum nỗi ngậm ngùi thương xót:
“Kìa đôi chim quấn quít đầu cành
Đang mớm mồi cho nhau tình nghĩa”
Lòng Tum đang như trăm mối tơ vò khi chim cây hoa cỏ đều có
đôi có lứa còn chàng thì phải cách biệt người mình yêu. Chính vì nỗi nhớ mong khắc
khoải ấy mà đâu đầu Tum cũng cố tìm ra được hình ảnh gần gũi với nàng Tiêu:
“Cây Khtiếc làm ta lại nhớ
Bông San Sò như ngôi nhà nàng
Bụi Kê – ke rào tường cách mặt
Che tầm nhìn ta muốn chặt phăng”
Tum xa Tiêu là vậy, còn đối với Tiêu, nàng ở lại cũng thương
nhớ không kém, đêm ngày thương mong:
“Da trắng thân em phai sắc áo
Nên vầng trăng khuyết nhớ khi đầy”.
Sử dụng hình ảnh vầng trăng để miêu tả tâm trạng nhớ nhung của
người đang yêu quả thật rất tài tình, Bôtum Mắtthê Xôm đã dùng từ rất nghệ thuật
muốn chỉ tới sự chia lìa đôi lứa, tức sum họp rồi chia tay.
-Trên đường về lại Tbôông – Khmum tìm người yêu:
Sau khi trở về chùa trả áo để hoàn tục, Tum xin mẹ đi tìm
tình duyên, được người mẹ chấp thuận lòng Tum vui sướng khôn cùng:
“Hoa lau trắng mùa khô rối rít
Phải dáng em lả lướt mỗi chiều
Dòng nước nhỏ như là mái tóc
Mỗi hoàng hôn chải thắm tình yêu”.
Ở đây ta lại thấy nét Kama hóa thiên nhiên trong dòng văn học
Ấn Độ xuất hiện, điều đó càng tăng thêm sức gợi cho tình cảm của chàng Tum đối
với nàng Tiêu. Thiên nhiên trong bốn câu thơ cũng không còn u buồn mà là tràn
lên sức sống mãnh liệt, sức sống của tình yêu, của niềm tin sắp tìm gặp được
người yêu.
Khoảng cách ngày càng gần nhưng nỗi nhớ mong khiến Tum thấy
như xa ngàn vạn dặm. Tác giả đã miêu tả hàng loạt khung cảnh thiên nhiên buồn để
khắc họa nỗi niềm của nhân vật sâu sắc hơn:
“Rồi dáng đứng cây thông đột ngột
Gió chẳng run, lá chẳng rì rào
Cây Ria-ploong nhớ ai ủ dột
Ngôi sao rơi, từng giọt giọt sao”.
Nỗi nhớ càng dày thêm:
“Tiếng thú đêm khuya rừng thêm lạnh
Trăng cô đơn tỏa sáng nhờ nhờ
Sương thấm áo lòng càng tê tái
Một nỗi tương tư khắc khoải chờ”.
Giữa không gian của màn đêm u tối, tĩnh mịch, lạnh lẻo càng
làm cho Tum nhớ Tiêu hơn lúc nào hết, cái hay của truyện thơ này ở chỗ tác giả
miêu tả thiên nhiên để nói lên tâm trạng con người, dùng cái có để tả cái
không, dùng cái động để tả cái tĩnh, dùng ngôi sao xa như hy vọng nhưng đang dần
rơi đi, dùng ánh trăng đêm, dùng giọt sương để gửi gắm tâm tình như một điều tất
yếu.
Không gian cũng chẳng “rì rào”, chỉ có ánh trăng “sáng nhờ
nhờ”, chỉ có màn sương mỏng “thấm áo” càng làm cho người “tê tái” thêm thôi.
Hạnh phúc cũng kịp nở hoa với đôi tình nhân trẻ. Thiên nhiên
cũng vui mừng phấn chấn hẳn lên như vừa được rót thêm một nhựa sống tràn đầy.
Khi họ gặp nhau bao lâu xa cách, tình yêu, nhớ nhung được gợi diễn bằng hình ảnh
hoa lá cỏ cây hết sức nhẹ nhàng và cũng tươi tắn làm sao:
“Tình yêu như triều biển dâng đầy
Không gian rót mật cùng nhau uống”
Hay:
“Tóc em đây mây trắng thắm bồng bềnh
Môi em nở nồng nàn hoa trái”
- Cuộc sum họp chưa kéo dài bao lâu thì lại biệt ly:
Tum và
Pếch theo lệnh vua vào cung để lại nàng Tiêu một mình trông ngóng, nhớ nhung.
Ngày Tum đi, cỏ cây chẳng buồn sức sống, mà một màu ủ dột não nề:
“Hoa lau trắng nở bung trước gió
Chiều đầy vơi, nắng nhỏ, mây thưa”
Có tiếng chim kêu, có tiếng gà gáy nhưng trong đêm mờ mịt
càng làm cho con người trong khung cảnh ấy thấy cô đơn hơn và nhất là với Tum –
một chàng trai trẻ đang yêu nhưng buộc phải chi tay người yêu.
Trên đường đi, Tum mang một tâm trạng duy nhất đó là nhớ
Tiêu. Nhìn tất cả sự vật vận động quanh mình, chàng đều nghĩ tới phút gặp nhau
của hai người:
“Rồi bông súng nở nhành hoa thắm
Bên ngọn rau muống nước tươi xanh
Lá xếp lá như tay bồng bế
Anh nhớ đôi ta lúc tự tình”.
Gặp gỡ rồi chia ly, tình yêu vừa nhen nhóm lại vụt tắt, mọi
thứ đối với Tum và Tiêu giờ đây chỉ còn là giấy phút vĩnh cửu của tình yêu. Họ
đã yêu, đã dành cho nhau tất cả trong tình yêu nhưng cuối cùng họ không thể thắng
được cái duyên – nghiệp. Họ cùng nhau sang thế giới bên kia để tìm kiếm một
tình yêu đích thực, bền vững mà chẳng gì có thể ngăn cách được họ.
“Tum mở mắt nhìn trời vô định
Trời đêm trong, sao sáng lạnh lùng
Thân sức kiệt tên Tiêu còn nhắc
Thương thay Tum hồn đã lìa trần”
Tum chết dưới gốc cây bồ đề, Tiêu tự vẫn theo chàng và Nô –
người hầu gái của Tiêu cũng lìa trần theo chủ, ba con người còn rất trẻ, đang độ
xuân yêu nhưng họ chưa được sống, chưa được yêu mà đã phải lìa xa trần thế
trong nỗi ngậm ngùi đến xót xa.
“Giờ buốt lạnh thân mang chiếu đất
Lấy vầng mây hoang vắng làm nhà
Ai sẽ phủ lên chàng chiếc áo
Ai sẽ trồng lên mộ nhành hoa?”
Một câu hỏi còn bỏ ngỏ…
Trần Hoàng Lam
SG tháng 12/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét